Đường sắt giảm mạnh giá vé để hút khách sau đại dịch Covid-19
Bài liên quan
Hà Nội thông qua chủ trương triển khai 2 dự án đường sắt đô thị
Sớm vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để giảm tổn thất
Thành lập tổ công tác rà soát, tháo gỡ vướng mắc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt: Cần phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thông tin, công ty vừa có chính sách ưu đãi giá vé tàu đối với đoàn viên Công đoàn các ngành, tập đoàn, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước.
Theo đó, đơn vị này giảm 5% đối với giá vé cá nhân; Giảm 7% đối với đoàn tập thể từ 10 - 39 người và giảm 10% đối với đoàn tập thể từ 40 người trở lên.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng có chính sách giảm giá vé cho cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt nhằm tri ân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển bằng tàu hỏa. Mức giảm tùy thuộc vào đối tượng, số lượng người đi tàu.
Cụ thể, đối với cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt, giảm 30% đối với giá vé cá nhân và thân nhân; Giảm 34% đối với đoàn tập thể từ 10 - 50 người; Giảm 38% đối với đoàn tập thể từ 51 - 100 người; Giảm 40% đối với đoàn tập thể từ 101 người trở lên.
Riêng đối với cán bộ, công nhân viên thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, giảm 40% đối với vé cá nhân và thân nhân; Giảm 44% đối với đoàn tập thể từ 10 - 50 người; Giảm 48% đối với đoàn tập thể từ 51 - 100 người; Giảm 50% đối với đoàn tập thể từ 101 người trở lên.
Hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngành đường sắt tổ chức chạy hằng ngày 4 đôi tàu khách Thống Nhất SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 giữa Hà Nội - Sài Gòn, 1 đôi tàu SE21/SE22 giữa Sài Gòn - Đà Nẵng, 1 đôi tàu SNT1/SNT2 giữa Sài Gòn - Nha Trang, 1 đôi tàu NA1/NA2 giữa Hà Nội - Vinh.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và triển khai thi công các công trình thuộc gói 7.000 tỷ đồng theo kế hoạch, dự báo kết quả sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng.
Dự kiến, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường sắt chỉ đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng giảm 1.783,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh thu vận tải chỉ đạt 2.668,6 tỷ đồng, giảm 37,5% cùng kỳ, tương ứng giảm 1.601,4 tỷ đồng. Tình trạng này dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh vận tải dự kiến lỗ hơn 616 tỷ đồng.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất các đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt phải giảm cả năm 2020 dự kiến là 1.132,8 tỷ đồng nhưng vẫn không cân bằng được thu chi năm 2020. Ngay cả nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm, ước giảm khoảng 36,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dự kiến nộp phí sử dụng hạ tầng năm 2020 là 213,9 tỷ đồng.
Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt, vừa qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Nhà nước cho các doanh nghiệp này được miễn trích nộp ngân sách Nhà nước phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cả năm 2020.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng kiến nghị xem xét miễn, giảm khoảng 7,4 tỷ đồng tiền thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư để phục vụ vận tải đường sắt năm 2020 cho các công ty vận tải đường sắt.
Trước kiến nghị này của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu phí, lệ phí thì Cục đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.