Duy trì tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin
Hà Nội phấn đấu mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi và tiêm đầy đủ uốn ván cho phụ nữ có thai đạt từ 95% trở lên; tiêm đủ 2 mũi vắc xin bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ dưới 1 tuổi, vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi và tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong 24 giờ đầu cho trẻ sơ sinh đạt từ 90% trở lên.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, thành phố còn có mục tiêu tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (DPT4) cho trẻ từ 18 tháng đạt từ 80%; tỷ lệ tiêm bổ sung, tiêm chống dịch các loại vắc xin đảm bảo chỉ tiêu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Thành phố duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; khống chế tỷ lệ mắc sởi dưới 5 trường hợp/100.000 dân, bạch hầu dưới 0,02 trường hợp/100.000 dân, ho gà dưới 1 trường hợp/100.000 dân, viêm não Nhật Bản dưới 0,2 trường hợp/100.000 dân.
Các đơn vị bố trí hợp lý cán bộ đủ điều kiện thực hiện hoạt động tiêm chủng tại các tuyến, đặc biệt các vị trí: Bảo quản vắc xin, dây chuyền lạnh; tư vấn, chỉ định tiêm chủng; thực hành tiêm chủng; theo dõi giám sát các phản ứng sau tiêm; kiểm tra giám sát các hoạt động tiêm chủng; giám sát các bệnh trong tiêm chủng, thống kê báo cáo tiêm chủng...
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức các buổi tiêm chủng thường xuyên ít nhất 1 lần/tháng vào thứ 4 tuần đầu tiên của tháng, triển khai tiêm bù cho đối tượng tạm miễn hoãn vào thứ 4 tuần thứ 3 của tháng; đảm bảo tiêm chủng an toàn, chất lượng, tổ chức ghép các điểm tiêm, ghép đối tượng tiêm chủng trên địa bàn phù hợp để thực hiện đúng quy định về hệ số sử dụng vắc xin, tránh lãng phí.
Đồng thời, cơ sở y tế củng cố hệ thống giám sát bệnh trong tiêm chủng lồng ghép trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm; tiến hành điều tra, khoanh vùng, xử lý kịp thời khu vực có bệnh nhân không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Hoạt động kiểm tra, giám sát cần được các đơn vị tăng cường hỗ trợ thường xuyên như: Tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên; quản lý dây chuyền lạnh và bảo quản vắc xin; quản lý đối tượng; thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; thống kê báo cáo kết quả tiêm chủng hàng tháng; giám sát phản ứng sau tiêm chủng; giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng… tại các tuyến.
Cùng với đó, các đơn vị cung cấp thông tin chính thống cho người dân về lợi ích của tiêm chủng thường xuyên, định kỳ và chiến dịch, nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; trách nhiệm của cha mẹ trong việc đăng ký và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch theo quy định; hình thức dịch vụ tiêm chủng; các phản ứng sau tiêm chủng, cách theo dõi và xử trí.
Ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục kiểm tra, rà soát lịch sử tiêm chủng của các học sinh tại tất cả các bậc học, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Ngoài ra, 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội phải thực hiện quản lý đối tượng trong diện hoạt động tiêm chủng mở rộng, lịch sử tiêm của đối tượng tiêm chủng mở rộng; quản lý vật tư, vắc xin và thống kê báo cáo tháng, quý, năm trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực, tham mưu cho Sở Y tế trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo chuyên môn hoạt động tiêm chủng trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn và hướng dẫn cho tất cả các cơ sở tiêm chủng để tổ chức thực hiện; kế hoạch hoạt động chuyên môn tiêm chủng năm 2024.