Gần 1.000 học sinh được xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia miễn phí
Bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh, đây là bệnh di truyền có đặc điểm gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính.
Bệnh gặp ở cả nam và nữ, bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.
Lãnh đạo Chi cục Dân số và Trung tâm Y tế Thạch Thất chỉ đạo tại buổi lấy mẫu xét nghiệm |
Người mang gen bệnh là người có bên ngoài hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện lâm sàng. Do đó, những người mang gen gặp và kết hôn trong cộng đồng dẫn đến nhiều cặp đôi có nguy cơ sinh con bị bệnh mà không hay biết.
Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội, các trường THPT trên địa bàn tổ chức sàng lọc cho 7.098 học sinh, phát hiện 1.365 học sinh mang gen và nghi ngờ mang gen Thalassimia (chiếm 19.2%).
Do đó, việc sàng lọc Thalassimia sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, để có phương pháp điều trị kịp thời, từ đó giúp nâng cao chất lượng dân số.
Việc phát hiện sớm người mang gen Thalassemia giúp các em học sinh chăm sóc sức khỏe và tự biết cách chọn một người không mang gen bệnh để kết hôn sau này.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, TTYT huyện Thạch Thất phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội sẽ có những tư vấn sức khỏe cho học sinh, đặc biệt các trường hợp mang gen bệnh.
Từ năm 2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 3370/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án Mở rộng Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030. Đề án được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm phổ cập tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là Hà Nội sẽ tổ chức sàng lọc thalassemia cho học sinh THCS, THPT, ưu tiên các xã thuộc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, trung bình ít nhất 5.000 học sinh/năm.
Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu 100% thai phụ được tư vấn về tầm soát thalassemia trước sinh; tối thiểu 95% nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn. Bên cạnh đó, 100% cán bộ dân số, y tế tham gia đề án có kiến thức, tư vấn về sàng lọc thalassemia trước sinh, trẻ sơ sinh, sức khỏe trước khi kết hôn… Học sinh THCS, THPT là dân tộc thiểu số, tầm soát khoảng 5.000 trường hợp một năm.
Theo UBND TP Hà Nội, đề án nhằm phổ cập, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho cộng đồng, đồng thời tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh thalassemia giúp giảm các chi phí điều trị của xã hội và gia đình, gánh nặng ngân sách y tế.