Gần 36,5 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu. Cuối tháng 4/2021, dịch tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất cần tiếp tục ban hành các chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Từ đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021. Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.
Nghị quyết được triển khai với 12 chính sách, bám sát 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42/NQ-CP; bảo đảm chính sách có tính khả thi và mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách.
Kết quả thực hiện tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho hơn 36,4 triệu người lao động, 394 nghìn đơn vị sử dụng lao động và 508 nghìn hộ kinh doanh với tổng số tiền là khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng.
Các đại biểu chủ trì hội nghị |
Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP cho thấy một số lượng lớn đối tượng đã được hỗ trợ trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… đã góp ý, đúc rút, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP.
Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Huy Hưng khẳng định, các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được thiết kế mang tính chất ngắn hạn, áp dụng mang tính tạm thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động sau đại dịch COVID-19 được chuyển sang thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Trong những ngày cuối của năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo một số tỉnh, thành phố hiện chưa hoàn tất việc chi trả chế độ cho các đối tượng, yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 31/12/2022.
Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ yêu cầu tiếp tục rà soát để hoàn tất tổng thể việc chi trả các chế độ cho các đối tượng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 31/12/2022 và tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.