Gánh nợ 15.000 tỷ đồng, dòng tiền âm, Kinh Bắc (KBC) lấy tiền đâu trả lãi trái phiếu?
Kinh Bắc vay nợ hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) vừa công bố huy động thành công lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 1.000 tỷ đồng.
Theo đó, lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng có thời hạn 24 tháng (từ 3/6/2021-3/6/2023), với lãi suất cố định 10,5%/năm và trả lãi 6 tháng/lần. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm và không phải nợ thứ cấp.
Theo phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu được công bố, Kinh Bắc sẽ sử dụng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền hoạt động tài chính và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) để thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lãi và tiền gốc trái phiếu khi đến hạn.
Đợt phát hành trái phiếu này chủ yếu là nhà đầu tư trong nước tham gia với hơn 900 tỷ đồng (tương đương 90%) gồm 4 nhà đầu tư tổ chức và 27 cá nhân. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 100 tỷ đồng với nhà đầu tư tổ chức duy nhất.
Như vậy, đây là lần thứ 3 Kinh Bắc vay nợ qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021. Trước đó, vào tháng 2 công ty huy động 400 tỷ đồng và tháng 6 với 1.500 tỷ đồng với lãi suất lần lượt là 10,5% và 10,8%/năm, kỳ hạn đều là 2 năm.
Về tình hình kinh doanh của Kinh Bắc, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt gần 2.752 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 633,6 tỷ đồng, tăng 12 lần cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, tuy nhiên, so với kế hoạch năm, Kinh Bắc mới chỉ hoàn thành 42% doanh thu và 39% lợi nhuận mục tiêu đề ra.
Hơn nữa, Kinh Bắc cũng đang gặp áp lực về dòng tiền. Trong đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 âm 90 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm 552,3 tỷ đồng (cả năm 2020 âm 2.913 tỷ đồng); dòng tiền đầu tư cũng âm 331,6 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. (Ảnh: kinhbaccity) |
Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.
Trở lại báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/6/2021, Kinh Bắc có tổng tài sản 27.732 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản lại chủ yếu nằm ở các khoản thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Cụ thể, hàng tồn kho hơn 11.623 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang từ nhiều dự án, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp (KCN) và đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) với 7.270 tỷ đồng, KCN Tân Phú Trung 1.227 tỷ đồng, KCN Phúc Ninh 1.088 tỷ đồng, KCN Tràng Duệ 666,5 tỷ đồng...
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh.
Hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Mặt khác, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc lên tới 15.120 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 12.613 tỷ đồng. Điều này có nghĩa nguồn vốn của Kinh Bắc chiếm phần lớn là nợ.
Nguy cơ rủi ro, Bộ Tài chính yêu cầu thắt chặt
Thời gian qua, nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nhằm huy động, trong bối cảnh việc vay vốn tín dụng ngày càng khó khăn do các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, đơn cử như Khang Điền, Nam Long, Phát Đạt... điều này được giới chuyên gia cảnh báo là rất rủi ro, có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro như một số doanh nghiệp nhất là bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) vay nợ hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu |
Vụ Tài chính ngân hàng cho rằng, quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành.
Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Với tính chất rủi ro cao hơn nên trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.
Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu”, Vụ Tài chính ngân hàng khuyến nghị.
Vụ Tài chính ngân hàng cũng khuyến cao, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Mới đây, ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Người đứng đầu Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.