Vay nợ dồn dập qua trái phiếu doanh nghiệp: Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra, rà soát
Thắt chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp không tài sản đảm bảo
Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp |
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 192.203 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành trái phiếu ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành lớn nhất, chiếm 42,3% tổng khối lượng phát hành, tiếp theo là doanh nghiệp bất động sản, chiếm 24,8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ 6 tháng đầu năm.
Tại buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trong vài năm qua ở Việt Nam thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá mạnh, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường bởi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp quá hấp dẫn.
Theo ông Hiếu, cần hiểu trái phiếu không phải là công cụ đầu tư mà chính là công cụ nợ. Người trái chủ có quyền yêu cầu người phát hành trả lại số tiền mua trái phiếu sau thời hạn 3 năm, 5 năm, trong khoảng thời hạn nhất định nhà phát hành cần có nghĩa vụ trả nợ.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại chưa phải là lúc nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng trong bối cảnh nền kinh tế bấp bênh vì dịch bệnh. Vì vậy, ông Hiếu đã cảnh báo về nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản đua nhau gọi vốn bằng trái phiếu
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nhằm huy động vốn, trong bối cảnh việc vay vốn tín dụng ngày càng khó khăn do các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục.
Cụ thể, tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã CK: KDH) công bố phát hành riêng lẻ tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 12%/năm.
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt liên tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp |
Ngày 16/8, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR) đã huy động thành công thêm 200 tỷ đồng qua việc phát hành 2.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, với lãi suất 13%/năm và có tài sản đảm bảo.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã liên tiếp phát hành thành công nhiều đợt trái phiếu với số tiền thu về hàng trăm tỷ đồng nhờ các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán mua mạnh lượng trái phiếu được bán ra, với lãi suất khá cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Tương tự, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ mới đây cũng công bố phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và lãi suất 10% mỗi năm. Trước đó, trong giai đoạn năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, công ty này cũng đã huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (chủ chuỗi cầm đồ F88) mới đây cũng công bố phát hành trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5-12%/năm. Cuối tháng 6/2021, công ty này cũng đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu. Đây là lần thứ 7 trong năm 2021, doanh nghiệp này huy động thành công qua kênh trái phiếu riêng lẻ, nâng tổng giá trị huy động lên mức 700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng trước đó cũng đã lưu ý về việc cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.
Cụ thể, về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Trên cơ sở đó, đối với các doanh nghiệp phát hành, việc phát hành trái phiếu phải gắn với dòng tiền và tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu.
Ngoài ra, khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố công khai thông tin cho nhà đầu tư về tình hình tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, các cam kết kèm theo, sử dụng vốn đúng mục đích nêu trong phương án phát hành.
Về phía nhà đầu tư mua trái phiếu, pháp luật đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua.
“Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu”, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng khuyến nghị.
Mặt khác, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin gồm trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành, có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi và đặc biệt là tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.