Gí súng đe dọa bắn và giơ đầu thách đố, ai được ai thua?
![]() |
![]() |
hình ảnh ông Phương nổ súng bắn chỉ thiên (cắt từ clip)
Băng video clip dài 2 phút ghi lại cuộc cãi vã, xúc phạm, gí súng bắn... phát tán tùm lum trên mạng, nhân lên khắp các link lớn nhỏ. Sao lại có chuyện dao búa, súng ống giữa trời quang mây tạnh trên đường phố Hòn ngọc Viễn Đông như thế nhỉ?
Chỉ biết là họ cãi nhau. Chỉ thấy họ lời qua tiếng lại, văng tục, xúc phạm nhau: Khi người phụ nữ đôi co, thì “người đàn ông to tiếng thách thức, đồng thời nhiều lần chỉ trỏ vào mặt, dùng chân đạp người phụ nữ”.
Tin mới nhất được cho là nguyên nhân ông giám đốc nổ súng giữa ban ngày ban mặt trên đường phố đông là vì bà Thúy có con trai Bùi Hữu Phúc từng làm nhân viên bảo vệ Công ty, nhưng đã nghỉ làm hơn 2 tháng. Công ty nợ lương hơn 4 triệu đồng, hai mẹ con anh Phúc đến đòi, nhưng “lãnh đạo công ty né tránh”.
Nếu chuyện này là sự thật thì cũng khổ, cũng tội nghiệp cho người lao động quá. Ngạn ngữ dân gian có câu ai oán, xa xót: “Chó cắn áo rách!”. Nghĩa đen là nghèo quá, phải mặc cái áo rách mà cũng bị cắn cho rách thêm.
Nghĩa bóng là đã nghèo còn gặp chuyện không may khiến cho nghèo thêm. Trong vụ này, có không chuyện người nghèo khổ đi làm thuê, bị nợ lương, đi đòi lại còn bị hành hung nữa?
Thời bây giờ không cái gì qua mặt được cái điện thoại nhiều chức năng, trong đó có chức năng... ghi hình ghi tiếng. Quay rất nét. Cấm cãi là súng bắn nước... lỡ tay bóp cò. Súng hẳn hoi nhé. Súng quân dụng hay súng công cụ hỗ trợ?
![]() |
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ súng
Súng gì thì cũng phải đối diện với cơ quan điều tra. Có một điều dễ nhận thấy: Có người cầm con dao cắt tiết gà cũng không dám, nhìn các vật sắc nhọn, nhìn thấy khẩu súng là run như cầy sấy.
Lại có người cầm vũ khí, đặc biệt là cầm súng, thì lại tự tin, lại như được tiếp thêm sức mạnh, bỗng nhiên dũng mãnh hơn, hung bạo hơn. Có nghĩa là cầm vũ khí mà không làm chủ được vũ khí. Những người này mà được giao súng đạn vào tay thì sử dụng vô lối, bốc đồng tùy theo cảm hứng, tâm trạng, chứ chẳng mấy khi tỉnh táo làm chủ được vũ khí.
Ông giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật có lẽ ở dạng này – sử dụng súng cũng dễ dãi như sử dụng con dao, cái búa trong nhà. Có lẽ vì thế mà ông giám đốc rành rành sai.
Trang bị súng, dù là công cụ hỗ trợ cũng phải dùng đúng quy định, dùng ở trong phạm vi cơ quan ông chứ không phải vác ra đường đông người mà... nổ. Móc súng ra, lần thứ nhất ông chỉ vào đầu người đàn bà.
Lần thứ 2 ông cầm súng chỉ lên trời. Lần thứ 3, ông bóp cò... bắn chỉ thiên. Vậy là, trang bị súng cho ông để bảo vệ cơ quan, chống trộm cắp, côn đồ, lưu manh, ông lại mang đi gây gổ uy hiếp với người phụ nữ hai bàn tay không.
Khiếp quá! Cái bà ngồi trên xe máy cãi chửi nhau với ông giám đốc cũng gớm, đúng là gan cóc tía, là cậu ông giời. Quả thật! Xem cái video clip đến giây thứ 6, tôi thấy người đàn ông rút súng ra gí vào đầu người phụ nữ để... bắn, đã thấy ớn lạnh sau gáy.
Vậy mà bả không sợ, còn giơ đầu ra, chỉ tay vào mái tóc, la to thách đố: “Mày bắn đi, bắn đi, bắn đi”. Kinh thật! Thách thì bắn. Ông giám đốc nổ súng đánh đoàng, bạt tai, khói tóe ra khỏi nòng. Nhưng là... bắn chỉ thiên. Người phụ nữ vẫn không sợ tiếp dúi đầu, chỉ tay: “Bắn đi. Bắn vào đầu nè. Sao bắn ra đường chi vậy. Bắn đầu... bắn đầu...” .
Sao lại liều mạng đến thế? Dám thúc giục thách đố kẻ nóng giận phừng phừng, đang cầm súng... bắn mình? Không sợ chết, hay đoán được đối phương không dám bóp cò? Con người ta đôi khi thái quá, vượt quá giới hạn cũng bởi khách quan tác động: một lời nói giục giã, thách đố, một hành động quá tay cũng khiến giọt nước tràn ly, bỗng dưng làm điều ác.
Con người biến thành tội phạm có khi chỉ bởi những chuyện trời ơi đất hỡi như thế, đến khi trấn tĩnh lại được thì tất cả đã muộn mằn hối chẳng kịp. Vì vậy, can mọi người đừng nên “thách nhà giàu húp tương”, “thách thợ săn bóp cò”.
Hãy rút củi đáy nồi mỗi khi xung đột và cũng nên thương cái thân mình mà phòng vệ từ xa, đừng vô tình hay, nóng giận mà đẩy đối thủ phải thủ ác.
Hãy thử tưởng tượng, ông giám đốc đang cầm súng trong tâm trạng ngùn ngụt khí uất bởi bị đàn bà hạ nhục giữa chốn đông người, quá mù ra mưa, giận quá mất khôn... bóp cò thật, thì hậu quả sẽ ra sao? Lúc đó, chuyện được thua cũng chẳng có ý nghĩa gì đâu mà hiếu thắng, ganh nhau.
Lời nói, hành động, tính liều mạng của người phụ nữ cho thấy một điều uất ức đã chồng chất dồn nén đến khi gặp ông giám đốc để truy vấn, cãi cọ như chất xúc tác, như cộng hưởng lực mở van, bình ga... xì ra, như rút chốt khiến cái lò xo nén chặt bung lên.
Lời nói, hành động, và tính quyết liệt thắng thua của ông giám đốc chứng tỏ một điều tâm trạng căng thẳng, bị kích động, người đàn ông này cũng giống như cái nồi áp suất nén quá cao, nếu không phì phì hơi thì sẽ... nổ tung. Và nổ tung thật.
Ông giám đốc hành xử theo cách chơi rắn... phủ đầu bằng “súng đạn”. Ai dè gặp cao thủ. Thì xưa nay “Ở nhà nhất mẹ nhì con. Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Rừng nào hổ nấy, ở vùng này là anh hùng nhất khoảnh sang rừng khác thì rón rén, nhũn như con chi chi là thế.
Trong trường hợp này thì kẻ sáu lạng người nửa cân. Chả bên nào chịu bên nào. Người phụ nữ thì cũng quá, khiêu khích, coi trời bằng vung. Ông giám đốc thì cũng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Tại anh tại ả tại cả đôi đường.
Nhìn hai người cãi cọ, chửi tục và băm bổ như chỉ muốn xông vào nhau... hủy diệt, tôi nghĩ đến tính xấu của nhiều người Việt - tính ăn thua. Điều này có từ khí chất, nhưng điều quan trọng hơn là... ít tu tập, không có khái niệm về cái tôi đau khổ.
Cái bản ngã quá to. Cái bám chấp này là nguyên nhân nguồn cội của mọi sự phiền muộn khổ đau trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nhận ra xung đột giữa ông giám đốc bảo vệ và người phụ nữ là cuộc đấu tranh quyền lợi, nhưng cũng là cuộc xung đột giữa hai bản ngã.
Người nào cũng cho rằng tôi đúng, tôi không sai, chỉ có nhà chị (nhà anh) là sai. Sai sao lại xâm phạm làm tổn thương tôi? Chuyện của hai người, nếu nhún mình, hạ bớt cái tôi xuống và bình tĩnh, nói chuyện thiện chí với nhau thì đâu đến nỗi nhục mạ, xỉ vả nhau giữa đường giữa chợ rồi... nổ súng, uy hiếp đe dọa.
![]() |
Mẹ con bà Thúy đã bị ông giám đốc gí súng dọa bắn.
Một ông Giám đốc bảo vệ, có nghĩa là có nhận thức của người làm chuyên ngành bảo vệ an toàn quyền sống của con người và đồ vật. Hơn ai hết, ông phải tỏ tường, tinh thông khi sử dụng vũ khí. Dùng hung khí đe dọa người dân có đúng quy định?
Súng là một loại vũ khí tự vệ và tấn công rất lợi hại. Nhưng, sử dụng súng và ai có quyền cầm súng lại là câu chuyện khác. Người hiểu biết văn minh sử dụng vũ khí để bảo vệ hòa bình, kẻ ít học tối tăm thì súng đạn lại biến thành con ngáo ộp, thành công cụ giết người. Chọn mặt gửi vàng, nếu không hiểm họa bắt đầu từ ngay lúc đang lựa chọn.
Rất may, theo thông tin mới nhất từ điều tra của công an, thì khẩu súng ông giám đốc dí và đầu người phụ nữ chỉ là súng bắn đạn hơi cay - một loại súng có chức năng hỗ trợ, chứ không phải súng quân dụng.
Dư luận hiện nay đang rất bức xúc: Có ý kiến coi việc hung hăng sử dụng súng đe dọa, uy hiếp người dân thường như thế là vi phạm pháp luật, là cần loại ra khỏi lực lượng bảo vệ để trước hết bảo đảm an toàn tính mạng người dân; thứ hai là cảnh báo, ngăn chặn không để chuyện nổ súng bừa bãi, sai quy định, dù là súng có chức năng hỗ trợ.
Qua vụ dùng súng vô nguyên tắc, vô lối này, các cơ quan chức năng nên kiểm tra toàn diện và chấn chỉnh lại việc sử dụng vũ khí làm nghiệp vụ bảo vệ, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa

Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3

Đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép
