Gia đình trẻ “giữ lửa” trong những ngày giãn cách xã hội
Giãn cách xã hội: Người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN trực tuyến |
Hà Nội giãn cách xã hội: Người dân được ra đường trong trường hợp nào? |
Trước “thử thách” này, nhiều gia đình trẻ chia sẻ cách giữ gìn hòa khí và phát huy giá trị tích cực của gia đình.
Thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành, toàn Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, người dân chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Mỗi gia đình có nhiệm vụ “ở yên một chỗ” để phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều thông tin cho thấy, ở một số nước trên thế giới, tình trạng bạo lực gia đình tăng một cách đáng báo động, đặc biệt từ sau khi các quốc gia áp dụng quy định cách ly tại nhà chống Covid-19. Dịch bệnh khiến cuộc sống chúng ta có nhiều thay đổi, đòi hỏi mỗi người cần tìm cho mình cách để giải tỏa năng lượng và sống ôn hoà.
Gia đình trẻ "khoe" ảnh quây quần bên nhau trong thời gian ở nhà thực hiện nghiêm giãn cách xã hội |
Trước kia, gia đình anh Đỗ Đức Phúc (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với nhau. Công việc của anh và vợ khá bận, lại thường xuyên công tác xa nhà nên cả hai ít có điều kiện tâm sự, với các con cũng không dành hết quỹ thời gian để quan tâm. Tuy nhiên, vì ít thời gian bên nhau nên hai vợ chồng ít đấu khẩu.
Trong đợt giãn cách xã hội này, anh chị đều ở nhà lại xảy ra xung đột khiến anh Phúc đau đầu, nhất là trong những ngày đầu cùng “ở yên một chỗ”. Sau hai ngày thực hiện Chỉ thị giãn cách, tình hình đã cải thiện hơn khi chồng anh đã thích nghi dần với việc ở nhà cùng nhau.
Anh Phúc bày tỏ: “Ban đầu tôi thấy bí bách, khó chịu vì ở nhà cả ngày. Các con thì nghịch ngợm, khó bảo. Vợ lại hay cằn nhằn, quát tháo, bởi có lẽ cô ấy cũng khó chịu khi đang là “chân chạy” giờ lại ở yên một chỗ như tôi. Ai cũng nóng nảy nên vợ chồng đã cãi nhau rất to tiếng trong ngày đầu tiên ở nhà. Sau đó, tôi đã bình tĩnh lại, lên kế hoạch những việc làm cho một ngày.
Tôi nghĩ, lúc này là cơ hội để các thành viên trong gia đình có thêm thời gian dành cho nhau chứ không phải để cãi vã và nói chuyện với vợ. Thế rồi, những bữa cơm gia đình vừa ăn vừa theo dõi thời sự, xem tin tức diễn biến của dịch bệnh, những lúc kèm con học bài hay việc cả nhà nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang phòng bệnh... cả nhà cùng trò chuyện, quan tâm, chúng tôi thấu hiểu và yêu thương nhau hơn”.
Những ngày qua gia đình chị Lê Ngọc Lan (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Gia đình chị không ra đường khi không thực sự cần thiết. Chị Lan chỉ cùng với chồng và con trai ở nhà, khoảng ba ngày chị mới đi siêu thị ngay dưới sảnh khu chung cư nhà chị ở để mua thực phẩm. Dù bố mẹ ở ngay toà nhà bên cạnh nhưng chị Lan cũng chỉ liên hệ với họ qua điện thoại để nắm bắt tình hình.
Người bố trẻ có thời gian nhiều hơn dành cho con trong giãn cách xã hội |
Chị Lê Ngọc Lan chia sẻ: “Cách ly gia đình với gia đình là trách nhiệm của mỗi người trong thời điểm hiện nay. Thật may là công nghệ hiện đại, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh nối mạng là chúng ta có thể kết nối với mọi người dù chỉ ở một chỗ. Bình thường, chúng tôi thường xuyên sang thăm bố mẹ nhưng những ngày này, vợ chồng tôi chỉ gọi video cho ông bà. Đại gia đình tôi vẫn có thể trò chuyện và chia sẻ với nhau”.
Còn với việc tại nhà, chị Lan và chồng đều hiểu và cố gắng tạo ra năng lượng tích cực nhất để giữ gìn tổ ấm. Chị Lan kể, bình thường, vợ chồng chị đều đi làm từ sáng sớm, con trai đi học. Tối đến, cả gia đình mới gặp lại nhau và quây quần bên mâm cơm, rồi cùng nhau nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả. Bây giờ vợ chồng chị “chạm mặt” nhau suốt ngày. Ba người loanh quanh cả ngày trong căn hộ 60m2 ngày này qua ngày khác với những việc lặp đi lặp lại khiến bản thân chị và chồng bị nhàm chán.
Tuy nhiên, người vợ trẻ này luôn tìm cách để giữ hoà khí và hạnh phúc trong gia đình. Gian bếp của nhà chị hằng ngày 3 bữa luôn đỏ lửa, chính tay chị nâng niu nấu những bữa cơm. Theo chị Lan, người phụ nữ cần có kỹ năng nấu ăn để làm ấm hơn căn bếp của gia đình mình. Một bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng và được bày trí bắt mắt không chỉ góp phần tăng cường sức khỏe cho cách thành viên trong nhà mà còn là khoảng thời gian cùng quây quần vui vẻ với nhau.
“Thấy tôi bận rộn bếp núc, chồng cũng phụ giúp, rồi chúng tôi còn dạy con làm một số món bánh mà con yêu thích. Chỉ loanh quanh trong bếp thôi mà thời gian trôi rất nhanh, rồi lại cùng ăn, cùng tập thể dục, xem phim, gia đình tôi chẳng còn thời gian mà chảnh chọe với nhau”, chị Lan cho biết.