Gia Lai: Tấm gương làm kinh tế giỏi hiến 1.500m2 đất để mở đường
Vườn cây ăn quả của chị Sen mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng |
Theo đó, năm 2003 hai vợ chồng chị Sen cùng hai con rời mảnh đất Đắk Lắk sang Gia Lai lập nghiệp và quyết định trồng cà phê và tiêu. Tuy nhiên, hai loại cây này không cho lợi nhuận cao. Thêm vào đó, tiêu thì chết rũ nên năm 2007 chị Sen quyết định tìm hiểu và trồng cây ăn trái là bơ Booth. Không ngờ chỉ sau 3 năm, lợi nhuận từ bơ booth mang về cho gia đình chị khá cao. Vì là hộ tiên phong trong việc mang giống bơ Booth về trồng nên chỉ với 6 sào bơ Booth chị Sen đã thu về hơn 300 triệu đồng/năm.
Tâm sự với chúng tôi, chị Sen chia sẻ: “Cũng vì thời tiết và khí hậu ôn hòa nên khi chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê sang cây ăn quả cũng khá năng suất. Ngày đó vì là hộ tiên phong mang bơ về trồng nên giá cả rất cao nên nhanh lấy lại vốn. Hiện tại thu nhập của gia đình cũng rất ổn định nhờ những giống cây ăn quả như bơ, sầu riêng…”.
Ngoài thu nhập từ bơ booth, vườn của chị còn có gần 100 gốc bơ thường, 70 gốc sầu riêng (mỗi năm thu từ 75-100 triệu). Như năm nay, mới thu được 2/3 vườn bơ thường nhưng chị Sen đã thu về gần 100 triệu còn bơ Booth thì chưa thu hoạch.
Con đường mà chị Sen đã tự nguyện hiến hơn 1.500m2 đất mở đường |
Chia sẻ về bí quyết làm giàu từ cây ăn trái như bơ và sầu riêng, chị Sen tiết lộ: “Quan trọng nhất vẫn là phân và tưới nước đều đặn, cây nào cũng vậy thôi. Riêng đối với bơ, nếu hay rụng trái cần phải bơm thuốc chặn đọt. Nói chung không được học hành nhiều nên tôi chị biết áp dụng theo cách truyền thống thôi, thế mà quả vẫn trĩu cành”.
Nhận xét về chị Sen, Võ Thị Hồng Gấm - Chủ tịch hội LHPN xã Ia Blang cho biết: “Chị Sen không những là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Mà chị còn thay đổi nhận thức cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi công dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh.
Cụ thể, ngay sau khi xã Ia Blang có chủ trương hiến đất mở đường nối thông xã Ia Blang đi qua xã Ia Ròng (huyện Chư Pưh). Con đường này mở ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và trao đổi hàng hóa.
Khu vườn cây ăn trái của chị Sen |
Ngay khi nghe có chủ trương làm đường nông thôn mới giúp cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản được dễ dàng, chị Sen đã rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện trong giải phóng mặt bằng. Mặc dù trong vườn chị Sen đang trồng hàng trăm trụ tiêu và bơ xanh tốt nhưng khi tuyến đường đi ngang, chị Sen đã không ngần ngại hiến 1.500m2 đất để làm đường. Gia đình chị cũng tự nguyện chặt bỏ luôn 70 trụ tiêu sắp thu hoạch và hàng chục cây bơ để phục vụ cho việc làm đường.
Chị Sen bộc bạch: “Tiền thì ai mà chẳng muốn, giàu thì ai mà chẳng ham. Nhưng làm đường thì mọi người, ai cũng được đi. Xã có đường lớn đi có phải thích hơn không. Mất mấy hàng tiêu, hàng bơ nhưng đổi lại làm đẹp cho địa phương, nhà mình cũng có đường to hơn rộng hơn mà. Tội gì mà không hiến chứ”.
Theo đó, tổng cộng diện tích đất chị hiến là hơn 1.500m2 nhưng không đòi hỏi đồng nào tiền bồi thường. Không chỉ là người phụ nữ hiến đất làm đường, chị còn là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, khi sở hữu vườn cây ăn quả mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.