Giá phân bón tăng phi mã: Bộ trưởng Bộ Công thương ra chỉ thị khẩn
Giá phân bón nhập về Việt Nam khoảng 6,5 triệu đồng mỗi tấn “Mổ xẻ” nguyên nhân giá phân bón tăng “chóng mặt” |
Ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước, trong đó có mặt hàng phân bón.
Theo Bộ Công thương, mặt hàng phân bón trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước.
Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp khai thác, sản xuất và xuất khẩu phân bón ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu Cục Hóa chất rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón.
Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường được giao tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhập lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Sản xuất phân bón DAP. (Ảnh: DAP) |
Thực tế, giá phân bón thời gian đã tăng khoảng 50-70% (tùy sản phẩm) so với hồi đầu năm. Mức tăng này vượt quá sức chịu đựng của người nông dân, khiến họ rất bức xúc.
Cụ thể, giá phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg (tăng 72%); phân DAP Đình Vũ tăng từ mức 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%). Đối với giá phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, phân SA bột từ mức 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg (tăng 60,6%); phân DAP tăng 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg (tăng 50%)...
Trong cuộc họp về tình hình tiêu thụ lúa Hè - Thu hu các tỉnh phía Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam rất bức xúc khi nghe báo cáo về thị trường giá phân bón.
Theo Thứ trưởng, vấn đề vận chuyển, lưu thông giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tháo gỡ nhưng giá phân bón vẫn tiếp tục tăng cao. Có loại phân bón tăng giá tới 83% so với thời điểm tháng 1/2021.
"Giá vật tư có thật sự là chi phí sản xuất cao không, phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, giãn cách xã hội, giao thông trắc trở thì tất cả cùng tăng giá”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt nghi vấn.
Lực lượng quản lý thị trường đang tiến hành tổng kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón. (Ảnh: DMS) |
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng bức xúc: "Nông dân sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh Covid-19 vốn đã chật vật, cộng thêm giá phân bón tăng phi mã lại thêm khó, sản phẩm sản xuất trong nước mà tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi".
Chia sẽ về nguyên nhân giá phân bón tăng cao, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, trong khi nguồn cung trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc ... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh.
Mặt khác, việc kết hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trên toàn cầu, không chỉ phân bón mà hầu hết các mặt hàng cơ bản như sắt thép, than đá, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi ... đều chứng kiến mức tăng giá rất mạnh.
Tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, phân bón là đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, việc giá tăng làm tăng chi phí sản xuất, và trong hoàn cảnh giá lúa gạo tăng giảm, đã gây ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Theo ông Trần Quốc Khánh, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng. Việc áp dụng các quy định hành chính vào thị trường khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế càng khó khả thi.
Mặc dù vây, hai ngành Công thương và Nông nghiệp sẽ cố gắng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.
“Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn nhập khẩu, đưa đến tay người nông dân với giá thấp nhấp.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước nhập khẩu 2,83 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 802,69 triệu USD, giá trung bình 284 USD/tấn (6,485 triệu đồng), tăng 20,1% về khối lượng, tăng 36,6% về kim ngạch và tăng 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020. Xét về thị trường, Trung Quốc luôn là quốc gia chủ yếu cung cấp các loại phân bón cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng khối lượng và chiếm 42,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 1,26 triệu tấn, tương đương 340,96 triệu USD, giá trung bình 271,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 29,6%, 52% và 17,3%. |