Giải cứu phi trường Tân Sơn Nhất, chông gai, nhọc nhằn, hy vọng... không của riêng ai!
![]() |
Những hành khách và người dân quanh vùng hẳn rằng vẫn chưa quên: Thuở hơn ba mươi năm trước, cảng hàng không Tân Sơn Nhất chỉ bảo đảm, phục vụ được những chiếc máy bay Antonov (AN) và máy bay phản lực Tupolev (TU) do Liên Xô sản xuất; máy bay Boeing và Airbus vẫn còn xa lạ, còn là ước mơ của dân Việt Nam.
Thời ấy, cảng hàng không Tân Sơn Nhất rộng mênh mông. Rộng mênh mông bởi hành khách đi lại ít, máy bay đương nhiên cũng ít lèo tèo lọt thỏm trong không gian 850ha, còn vì sân golf đã bị “chiếm dụng” phần phía bắc sân bay mất 157ha.
Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, máy bay đi và đến nhộn nhịp và có hơn 40 hãng hàng không quốc tế, 4 hãng nội địa khai thác bay cho nhu cầu đi lại cho hàng chục triệu hành khách. Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành chật hẹp, đông đúc, luôn phải gồng mình trước sự quá tải quá lớn.
Vấn đề “Giải cứu phi trường Tân Sơn Nhất” chưa bao giờ được dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, bàn luận, phản biện dữ dội nóng bỏng như hiện tại.
Quan tâm bởi chuyện đi lại ảnh hưởng trực tiếp đến mọi nhà, mọi người, đến nền kinh tế quốc dân. Quyền lợi cá nhân bị xâm phạm một cách vô hình, nhưng ai cũng nhận ra rõ ràng cụ thể tiền ở túi mình cứ vơi đi vì những chuyện trời ơi đất hỡi.
Thì chẳng hạn: có công việc bay từ Sài Gòn ra Hà Nội thương thảo với đối tác nước ngoài ở khách sạn Sofitel Plaza, nhưng máy bay delay vì xếp hàng ra đường băng, hoặc chưa dám cất cách vì phải nhường cho máy bay xuống. Bay ra đến Hà Nội thì vị doanh nhân nước ngoài cũng đã xách va li về nước lâu rồi.
Chậm giờ bay. Hủy chuyến bay... như “chuyện thường ngày ở huyện” không chỉ là câu chuyện thái độ phục vụ, mà còn do cơ sở hạ tầng sân bay không đáp ứng được nhu cầu sử dụng phương tiện máy bay ngày càng tăng của nhân dân.
![]() |
Ảnh chụp vệ tinh sân golf Tân Sơn Nhất bên cạnh cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Năm 2015, trang mạng chuyên xếp hạng sân bay khắp thế giới SleepinginAirports đã công bố danh sách 10 sân bay tệ nhất thế giới, thì sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị xếp vị trí thứ 8. Xôn xao dư luận và nỗi buồn có giảm đi sau những cố gắng cải thiện hạ tầng: Mở rộng thêm nhà ga hành khách, sử dụng công nghệ hiện đại như bán vé qua mạng, check-in online,...
Song cảng hàng không Tân Sơn Nhất vẫn là nỗi ám ảnh, quan tâm bức xúc triền miên, đã và đang ảnh hưởng tác động rất mạnh đến chuyện đi lại của người dân.
Dư luận bức xúc là bởi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Mỗi ngày, Tân Sơn Nhất đón khoảng 480-500 chuyến bay, vào dịp lễ tết hành khách đi lại càng đông lên đến hơn 600 chuyến mỗi ngày.
Lúc cao điểm, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất càng quá tải, máy bay lổn nhổn như cua bò nối đuôi nhau trườn ra đường băng sếp “lốt” (slot) chờ đợi mòn mỏi đến lượt cất cánh. Tình trạng thiếu đất, thiếu đường lăn, hết chỗ đậu, phải đậu xa nhà ga, hành khách phải di chuyển bằng xe buýt ra máy bay, hoặc bay lòng vòng trên trời, chờ tầu bay dưới cảng cất cánh, mới được hạ cánh là chuyện không có gì xa lạ.
Sân đỗ chật hẹp, tầu bay của các hãng nội địa xuống phi trường không có chỗ đậu phải điều chuyển bay về Cần Thơ “ăn nhờ ở đậu” qua đêm.
“Ngoài Cần Thơ, các hãng hàng không cũng đã chọn nhiều sân bay như Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi làm chỗ đỗ máy bay qua đêm để “chia lửa”, giảm tải cho Tân Sơn Nhất”. Ngoài cổng sân bay vẫn ùn tắc giao thông kéo dài triền miên trên đường Trường Sơn, có khách Vip phải bỏ ô tô Lexus vác va li chạy bộ cho kịp giờ lên tầu bay.
Nhu cầu hành khách đi lại ngày càng tăng, năm 2016 có hơn 32.600.000 người quá giang phi trường Tân Sơn Nhất, tăng 22,8% so với năm 2015, trong khi sân bay chật hẹp vẫn hoàn hẹp chật, dư luận xã hội không bức xúc mới là chuyện lạ.
Dư luận bức xúc còn bởi trong sân bay có một sân golf, trong sân golf đã và sẽ có nhà hàng khách sạn, biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê, trường đào tạo năng khiếu golf... chiếm diện tích 157ha.
![]() |
Sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải.
Có hai hình ảnh đối lập diễn ra ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: Một bên là tình trạng thắc thỏm âu lo lỡ chuyến bay, nỗi ca thán, và tình trạng vật vờ, nhếch nhác của hành khách bởi quá tải, kẹt giao thông dưới mặt đất và “kẹt” cả ở trên trời.
Một bên là cỏ nhung xanh mướt sân golf, nhà hàng, khách sạn, biệt thự... được rao bán và các phụ trợ sân golf đang dần dần trở thành khu dịch vụ giải trí, vui chơi có hình ảnh đẹp nhất thế giới.
Một bên là sân bay quá tải gồng mình phục vụ cho 90 triệu người dân Việt Nam, hầu hết lam lũ mưu sinh, nhiều người lần đầu đi máy bay. Một bên là sân golf chỉ phục vụ một nhóm người với cuộc sống vương giả giàu sang, phú quý với số vốn đầu tư 5.443 tỉ đồng, khai thác toàn trong 50 năm.
Nghịch lý sân bay chật hẹp, sân golf rộng rãi. Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong và ngoài nước chưa bao giờ cấp thiết, nóng bỏng như hiện nay.
Bàn luận, phản biện quyết liệt, bóng bỏng là bởi sân golf nằm trong sân bay là chuyện độc nhất vô nhị trên thế giới. Việc sân golf “mọc” lên ở phía bắc sân bay đã là một vô lý đùng đùng, nhưng việc đồng thuận của các cấp thể hiện ở 153 văn bản để cho một sân golf ra đời trong sân bay Tân Sơn Nhất lại càng vô lý hơn.
Nhà đầu tư nào cũng muốn nhiều lợi nhuận. Doanh nghiệp kinh doanh theo pháp luật, còn vấn đề đạo đức, thì trông cậy vào nhận thức và lòng người. Việc tồn tại một sân golf 157ha chình ình trong sân bay, ở thành phố lớn, chỉ mình nhà đầu tư thì chẳng bao giờ làm nổi, nếu không được các cấp chính quyền đồng thuận.
Giận người hãy trách trước ta! Vô lý tiếp vô lý khi dư luận ầm ầm lên tiếng đòi lại sân golf trả lại đất cho sân bay thì những người có trách nhiệm của ngành giao thông trực tiếp trong cuộc lại có vẻ thờ ơ, né tránh?
Trong khi phải đòi lại sân golf để mở rộng sân bay và mở rộng sẽ trở thành hiện thực, thì ông Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lại phát ngôn gây sốc: “Bộ Giao thông vận tải đã tìm hiểu kỹ càng và dù Bộ Quốc phòng rất ủng hộ nhưng việc mở rộng sân bay lên phía Bắc là hoàn toàn không khả thi”. Không khả thi? Hay không lấy lại được đất sân golf?
Chúa Jesus nói: “Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar”, trong trường hợp này thì cái gì thuộc về sân bay, hãy trả lại cho sân bay. Cái điều hợp tình hợp lý, giản dị dễ hiểu thế thôi, nhưng xem ra giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn nhọc nhằn, chông gai lắm.
Sự thực thì không phải đến bây giờ người dân mới biết trong sân bay có một sân golf, và trên truyền thông, trong hội họp đã có ý kiến lấy lại đất sân golf để mở rộng sân bay.
Giới nhân sĩ, trí thức đã không ít người lên tiếng, theo “Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga - Trưởng bộ môn Kinh tế học, Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh: Sân golf là một tài sản lớn và là tài sản của tư nhân, chưa có nơi nào sân golf là tài sản công.
![]() |
Máy bay cất cánh cạnh sân golf.
Vì vậy việc xây dựng sân golf trên tài sản công, hơn nữa trên đất quân sự thuộc sân bay lại càng không hợp lý. Đây là lỗ hổng của thể chế và chính sách cần được điều chỉnh”. Tiếng nói của dư luận dường như cứ bị chìm nghỉm, rồi đi vào quên lãng. Nhưng, lần này thì không!
Không chịu nổi sự vô lý và “im lặng đáng sợ” ấy, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa cũng lên tiếng, đặt câu hỏi: “Nếu giao được đất đó (đất phía bắc sân bay 157ha) cho doanh nghiệp xây dựng sân golf, làm biệt thự, nhà hàng thì tại sao lại không giao cho ngành hàng không Việt Nam mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bảo không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vì tốn kém, vì phải giải phóng mặt bằng, vì không khả thi, nhưng các nhà chuyên môn bảo có. Phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia kỹ thuật hàng không Nguyễn Thiện Tống khẳng định: Nếu thu hồi đất sân golf thì phương án xây dựng đường băng cất hạ cánh thứ 3 dài 2.600m, cách 760 m đường băng số 1, và không phải giải tỏa hộ dân nào là hoàn toàn thực hiện được.
Bộ trưởng bảo không. Chuyên gia bảo có! Bộ trưởng chắc chắn không có chuyên môn hàng không, nếu có thì cũng không sâu như các chuyên gia. Có mở rộng được sân bay Tân Sơn Nhất không? Sao không tổ chức tọa đàm, hội thảo để các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn, phản biện?
Trung tá Lê Trọng Sành – nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cũng nói những lời đau đớn: “Tôi và các chuyên gia hàng không rất bất ngờ khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói không thể mở rộng sân bay về phía sân golf, trong thực tế là hoàn toàn có thể.”
Các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng: Thu hồi được đất sân golf có thể làm thêm nhà ga, cửa mở và đường dẫn vào ga từ hướng đường Tân Sơn, hoặc Quang Trung sẽ phân bố lại mật độ hành khách vào phi trường và bên ngoài sân bay cũng không phải giành nhau từng xăng ti mét đường khi tham gia giao thông.
Chưa bao giờ nhân dân lại được tham gia bàn bạc các vấn đề quốc kế dân sinh như hiện nay. Chưa bao giờ dư luận được lan tỏa trên truyền thông lại mạnh mẽ, rộng khắp và sâu sắc đến thế.
Tiếng vọng từ nhân gian lan xa đến tận cung đình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trương chính phủ do ông đứng đầu là một chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, thì bây giờ lại thêm một lần nữa khẳng định... hành động: Dừng mọi công trình hạ tầng phụ trợ sân golf Tân Sơn Nhất, mời các nhà khoa học, chuyên môn, và thuê tư vấn nước ngoài độc lập để mở rộng sân bay.
Câu hỏi: Có thể và có nên mở rộng sân bay về phía sân golf ở hướng bắc hay không sẽ được trả lời chính xác. Chúng ta đã đời chờ và hy vọng, bây giờ lại càng hy vọng mọi chuyện tốt đẹp sẽ diễn ra.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quy định mới về tinh giản biên chế

Quỳ Châu (Nghệ An): Cảnh sát giao thông bơi ra giữa dòng nước xiết cứu cháu bé

“Rác AI”: Khi công nghệ trở thành con dao hai lưỡi

Thực hiện phân cấp, phân quyền tối đa trong lĩnh vực xây dựng

Giải pháp nào để xử lý?

Gần 10.000 người Vingroup và tình nguyện viên ra quân làm sạch bờ biển

Lan tỏa thông điệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Đại tá Hồ Song Ân làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi hoàn tất sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã
