“Giải mã” môn học khô khan…
|
Đội tuyển Hà Nội (Đại học Kinh tế quốc dân) vừa giành ngôi vô địch Hội thi Olympic các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh- Ánh sáng soi đường toàn quốc năm 2015.
Các bạn ấy đã khẳng định được rằng, việc học bộ môn lí luận này không hề khó và khô khan, cứng nhắc như nhiều người từng nghĩ.
Những “nhà triết học sinh viên”
Bộ môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thường bị “gắn mác” khô khan, khó hiểu và trừu tượng. Thế nhưng, bảy chàng trai, cô gái của đội tuyển Hà Nội như những “nhà thông thái”, họ đã tỏa sáng từ việc học tập bộ môn này. Các thí sinh đó đã giành được chiến thắng ngoạn mục trong Hội thi Ánh sáng soi đường năm 2015 do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
|
Đội tuyển Hà Nội trong ngày đăng quang ngôi vô địch Hội thi Ánh sáng soi đường toàn quốc năm 2015.
Bắt đầu tham gia hội thi từ những ngày đầu tháng 3/2015, các bạn sinh viên K54, trường Đại học Kinh tế quốc dân: Trần Văn Bằng; Trần Tuấn Anh Nghĩa; Nguyễn Tùng Lâm; Nguyễn Thị Thúy Hường; Lê Xuân Hà; Phạm Việt Cường; Trần Anh Đông đạt điểm cao và giải thưởng trong cuộc thi tìm hiểu về các môn lí luận từ cấp trường đến toàn quốc. Họ vượt lên hàng nghìn sinh viên, trải qua các vòng loại rất nghiêm ngặt của nhà trường để đồng hành bên nhau tới ngày chiến thắng.
Bạn Trần Văn Bằng (Lớp Tài chính Doanh nghiệp K54C) không chỉ là đội trưởng “sáng giá” của đội tuyển Hà Nội mà còn là thí sinh xuất sắc trong bảng thi cá nhân xếp hạng trực tuyến. Ngay tuần đầu tham gia Hội thi Ánh sáng soi đường, Bằng đã giành giải 3 toàn quốc. Kết quả đó khiến chàng trai càng có thêm động lực để tiếp tục tranh tài. Mỗi tuần, Bằng dự thi đủ 3 lượt. Vòng Chung kết xếp hạng trực tuyến vừa qua, Trần Văn Bằng đoạt giải Nhì toàn quốc. Song song với nỗ lực đạt thành tích cá nhân cao, chàng sinh viên này luôn sát cánh đồng hành cùng các bạn trong đội tuyển Hà Nội, miệt mài học tập, ôn luyện suốt gần hai tháng kể từ ngày bảng thi đội tuyển diễn ra.
Bằng kể, có lần cả nhóm rủ nhau ra quán cà phê gần trường để ôn tập. Ai nấy đều say sưa học, vấn đáp nhau. Tranh luận từ đầu giờ chiều đến lúc nửa đêm mới dừng lại, cậu không còn bắt được xe buýt, phải đi bộ gần hai cây số khi trở về phòng trọ. Với các bạn ấy, ai cũng không hiếm những đêm trắng học bài chuẩn bị kiến thức cho kì thi. Bởi sự miệt mài, chuyên cần, họ đã tìm ra nhiều cách học hay.
Từ vị trí cuối trong top 100 trong bảng xếp hạng cá nhân trực tuyến, Trần Anh Đông (Lớp Công nghệ thông tin K54), thành viên của đội tuyển Hà Nội bứt phá lên xếp thứ Nhì toàn quốc. Đông chia sẻ: “Mình đã làm bài nhiều lần ở cuộc thi online. Sau đó, tìm hiểu tài liệu và hỏi các thầy cô để biết tại sao đáp án này là đúng, đáp án kia là sai. Qua nhiều lần thi, mình đã hiểu hơn về mô tip đề, tìm được cách học dễ hiểu và ghi điểm”.
Làm gương để “truyền lửa”
Ngay từ ngày còn là học sinh trung học, Trần Anh Đông đã mê các môn văn- sử- địa. Niềm đam mê ấy là động lực khiến chàng trai học giỏi bộ môn xã hội. Khi vào đại học, Đông tiếp tục mang tinh thần ấy vào các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chàng trai chia sẻ: “Càng “lấn” sâu vào các môn lí luận, mình càng thấy thú vị và muốn chinh phục đỉnh cao”.
Bạn Nguyễn Thị Thúy Hường (Lớp Ngân hàng K54C) luôn đạt điểm xuất sắc ở các môn triết học Mác- Lê nin, kinh tế chính trị, đường lối cách mạng… bởi cô luôn gương mẫu đi đầu trong học tập. Cô gái đã kéo mọi người xung quanh vào môn học này bằng cách rủ họ học nhóm, hỏi đáp, thi đố, vừa dễ nhớ, dễ thuộc mà vui vẻ và nhiều người cùng hiểu. “Có cách học hay, mình nhận thấy nhiều bạn thích thú, không còn ngại các môn lí luận”, Hường chia sẻ.
Bản thân mỗi thí sinh trong đội tuyển Hà Nội là một tấm gương sáng “truyền lửa” cho các bạn sinh viên, thay đổi cách nhìn về môn lí luận mà các bạn cho rằng khó, khô cứng. Thực tế, những môn học này rất bổ ích và có ý nghĩa lớn trong cuộc sống, hơn nữa, sẽ rất thú vị nếu người học biết áp dụng phương pháp sáng tạo.
“Như Bác Hồ đã dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, khi muốn “truyền lửa” nhiệt huyết cho người khác thì bản thân mình phải thành công trước để làm gương. Có như vậy, mọi người mới noi theo”, Trần Văn Bằng nói.
“Mình hi vọng chiến thắng của chúng mình sẽ lan tỏa ra cộng đồng để chứng mình rằng, việc học tập các môn lí luận không hề khô khan, cứng nhắc. Cá nhân mình sẽ là người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh- Ánh sáng soi đường tới mọi người”, Trần Anh Đông bộc bạch.
Thành công của các bạn ấy trong Hội thi Ánh sáng soi đường chính là cách “truyền lửa” đam mê bộ môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiệu quả tới đông đảo sinh viên.
Lê Dung
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tự soi, tự sửa - hành động thiết thực học tập Bác

Lan tỏa mô hình Dân vận khéo xây dựng Đảng vững mạnh

Đại hội của niềm tin về sự ổn định, phát triển toàn diện

Dấu ấn của sự đoàn kết, đổi mới và lan tỏa

"Cuộc gọi 0 đồng" thiết thực hỗ trợ sĩ tử mùa thi

70 năm bền bỉ góp sức giáo dục, bồi dưỡng tài năng trẻ

Những dấu ấn “vàng” của Cung Thiếu nhi Hà Nội

Triển vọng mới của Cung Thiếu nhi Hà Nội trong thời đại số

Mô hình không gian trải nghiệm hiện đại tại Cung Thiếu nhi Hà Nội cơ sở 2
