Giải pháp đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhu cầu thị trường về nhân lực chất lượng cao
Theo công bố mới nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, kỹ năng của lực lượng lao động nước ta tăng đều hằng năm; trong đó, hai năm gần đây, chất lượng đào tạo nghề nghiệp duy trì đà tăng hơn 10 bậc. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ở nước ta còn thấp, hiện mới đạt gần 25%, tương ứng với khoảng 13,5 triệu người/tổng số khoảng 54 triệu người trong độ tuổi lao động.
Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề từ đầu năm 2021 đến nay không đạt như mong muốn. Tính đến ngày 15/8, cả nước mới tuyển sinh được hơn 75.000 người học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp (bằng 13% kế hoạch cả năm). Đáng lo ngại, trong số hàng triệu người đang bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chiếm đại đa số.
Liên quan đến vấn đề đào tạo, đào tạo lại lao động, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Mục tiêu của chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp.
Đây là một trong những điều kiện rất thuận lợi để người lao động được đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm do bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới một năm; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp; lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại.
Các hoạt động sản xuất của Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long được duy trì ổn định (ảnh TCLĐXH) |
Lấy ví dụ ở một tỉnh phía Bắc phát triển mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo là Quảng Ninh, có thể thấy, tỉnh này định hướng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo đối với các ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng, có sức lan tỏa, thúc đẩy thu hút phát triển công nghiệp, như: Sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô, điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học…Trong đó lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch đã thu hút được một số nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, có năng lực, kinh nghiệm vào nghiên cứu, đầu tư.
Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu thuộc Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy, nhu cầu lao động cần có của Quảng Ninh năm 2021 là 742,77 nghìn lao động, năm 2025 là 798,28 nghìn lao động và đạt 874,25 nghìn vào năm 2030. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự báo đến năm 2025 cần khoảng 128.767 lao động và đến năm 2030 cần khoảng 178.455 lao động; nhu cầu lực lượng lao động có chứng chỉ nghề trở lên của ngành chế biến chế tạo cần khoảng 96.517 người năm 2025 và 141.711 người năm 2030. Tập trung ở một số lĩnh vực như: Công nghiệp thông tin và truyền thông, công nghiệp ô tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp thời trang...
Từ thực tế đó có thể thấy, nhu cầu về lao động có chất lượng cao rất hiện hữu, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực ngay từ bây giờ để giải bài toán về nguồn nhân lực.
Giải pháp đòi hỏi có tính thực tiễn cao
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số trên địa bàn, theo ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ninh, tỉnh sẽ phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nhân dân và những người trong độ tuổi lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề; Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp…
Mới đây, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho rằng: “Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi. Vì vậy, cần thiết phải kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, người lao động và người sử dụng lao động.
Còn theo ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên, trực thuộc Tổng Công ty May 10, doanh nghiệp mong muốn có lao động chất lượng cao, thích ứng với thị trường thì cần phải có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị nên nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tham gia giáo dục đào tạo, để doanh nghiệp “mặn mà” hơn với hoạt động này, đồng thời giúp đơn giản hoá nhiều thủ tục.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội ký kết chương trình hợp tác đào tạo trong năm học 2021 - 2022 với các doanh nghiệp (Ảnh tư liệu) |
Đối với trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh cho biết, nhà trường ưu tiên tuyển sinh với đối tượng là bộ đội xuất ngũ, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với nhiều ngành, nghề phù hợp. Người học được hỗ trợ về học phí và có thể chủ động lựa chọn thời gian đào tạo (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng...). Tương tự, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dự án “Tự tin lập nghiệp”, qua đó hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn...
Theo khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 6 nghề đang là xu hướng, sẽ được đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp gồm: Giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu, in 3D. Bên cạnh đó, một số nghề khác theo hướng cập nhật, nâng cao đáp ứng công cuộc chuyển đổi số như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện - điện tử, tự động hóa, các nhóm ngành nghề như công nghiệp chế biến, thiết bị y tế, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch dịch vụ, dệt may - giày da, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ô tô, cơ khí nông nghiệp, năng lượng mới và năng lượng tái tạo và một số ngành nghề khác. |