Khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao
Để làm được điều đó, trong 11 năm hoạt động, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày sản phẩm sáng tạo Khoa học công nghệ của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên Giáo dục nghề nghiệp năm 2020 do Bộ LĐTB&XH tổ chức |
Trường thực hiện mục tiêu “tuyển sinh là tuyển dụng”, gắn công tác tuyển sinh và đào tạo nghề mới với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, quy mô đào tạo của nhà trường hiện lên tới gần 5.000 sinh viên và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm học tới.
Trường còn thường xuyên đổi mới phương thức, tổ chức dạy và học theo hướng mở, tích lũy module (đơn vị nhỏ cấu thành nên tổng thể), chứng chỉ, học đến đâu công nhận kết quả đến đấy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có thể học tập liên tục, suốt đời. Nhà trường chủ động áp dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý, từng bước đưa hoạt động mô phỏng, dạy học online vào chương trình để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng tham quan hệ thống phòng thực hành của nhà trường |
Để có nguồn tài trợ học bổng và hỗ trợ trang thiết bị cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường chủ động xây dựng mối quan hệ với các trường đại học đại học, cao đẳng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước. Hằng năm, nhà trường được tiếp nhận tài trợ lên đến hàng tỷ đồng. Thông qua những hợp tác này, 100% sinh viên của trường được đi thực tập tại doanh nghiệp, trong đó trên 30% sinh viên đã được tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và được trả lương.
Nhờ tiên phong, chủ động tìm hiểu và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị nên hằng năm, nhà trường đều có nhiều đơn đặt hàng đào tạo với hàng nghìn chỉ tiêu.
Khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao |
Gần đây nhất là chương trình hợp tác giữa nhà trường với Tập đoàn Hanwha để đào tạo 800 kỹ sư thực hành chuyên sản xuất động cơ máy bay từ năm 2019 đến năm 2024. Hay mới nhất là chương trình phối hợp giữa nhà trường với Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Gama Service - đơn vị dịch vụ kỹ thuật thang máy cao cấp của GamaLift - thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy do trường trực tiếp quản lý, tuyển sinh và đào tạo.
Sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực này.
Hoạt động dạy và học muốn tốt, phải có đội ngũ thầy cô giáo tốt và đội ngũ sinh viên tích cực. Xác định được điều đó, nhà trường chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội.
Theo đó, nhà trường biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Mỗi giáo viên, học sinh, sinh viên đều có khả năng rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, tự khám phá, tiếp cận khoa học công nghệ, từng bước hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Thực tế, mỗi năm, trường có hàng trăm đề tài nghiên cứu và sáng kiến kinh nghiệm cấp trường được đưa vào áp dụng.
Sinh viên khoa Chăm sóc sắc đẹp và bài dự thi đạt giải cao tại kỳ thi tay nghề quốc tế |
Cô Trần Thị Lan, Trưởng khoa Chăm sóc sắc đẹp, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: “Gắn bó với nhà trường từ những ngày đầu thành lập, bản thân tôi thấy mình thật may mắn khi được làm việc trong một môi trường mở, cập nhật nhanh những kiến thức mới, đặc biệt hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nên cơ hội học tập, phát triển và nâng cao năng lực bản thân rất tốt.
Năm 2020, tôi vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong huấn luyện thí sinh đạt giải Nhất kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020. Đây là lần thứ ba tôi đạt được thành tích này. Đó cũng là nhờ nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, tạo điều kiện bồi đắp, phát triển kỹ năng, tay nghề cho cả giáo viên và học sinh. Cũng vì thế mà càng làm việc, tôi lại càng thêm yên tâm và gắn bó với nghề”.
Nói đến trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chắc hẳn nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường đều tự hào nhất về tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo, đảm bảo mục tiêu “100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm”, thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Nhiều nghề như: Điện, Điện tử, Điện lạnh, Cơ khí, Hàn, Chăm sóc sắc đẹp… đạt tỷ lệ 100% sinh viên có việc làm trước khi ra trường, thậm chí chưa đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã đến trường tuyển dụng nhân sự trước 6 tháng, đưa ra nhiều lựa chọn vị trí việc làm và mức lương hấp dẫn và cơ hội thăng tiến cao để thu hút sinh viên. Đáng mừng là một số doanh nghiệp đã trả chi phí để được ưu tiên tuyển dụng nhân viên (ví như Tập đoàn PMTT GROUP có 80% nhân viên được đào tạo qua nhà trường).
Không những thế, sinh viên nhà trường luôn dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đạt giải cao trong các Hội thi tay nghề cấp thành phố Hà Nội, Quốc gia, Asean và thế giới. Giải thưởng trong các hội thi tay nghề cũng tăng dần theo từng năm.
Một giờ học thực hành của sinh viên ngành tự động hóa công nghiệp |
Có thể nói, với sự nỗ lực không ngừng trong 11 năm qua, tập thể thầy và trò trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước.
Thời gian tới, nhà trường quyết tâm xây dựng trường sớm trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Điều này đáp ứng đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…”, để nhà trường xứng tầm với vai trò, vị thế của Công trình chào mừng, kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.