Giải pháp đào tạo mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc trong thời đại 4.0
Khai mạc triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 Phát động triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ IV |
Tại tọa đàm khoa học “Đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc phù hợp xu thế xã hội”, đã có nhiều tham luận, ý kiến trao đổi chất lượng từ các nhà giáo, chuyên gia.
Bất cập cung - cầu và thách thức cơ sở đào tạo
TS. Lê Trọng Nga, Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp, trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy, dù số lượng sinh viên lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc tốt nghiệp hàng năm không hề nhỏ nhưng các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn khi tìm nhân sự phù hợp.
TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Điều đó phản ánh vấn đề bất cập về đào tạo nhân lực mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc ở nước ta hiện nay. Tuy nguồn cung khá lớn nhưng chất lượng chưa cao, chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Từ thực tế và nhu cầu nhân lực lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc đặt ra thách thức đối với các cơ sở đào tạo.
TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội và TS. Lê Trọng Nga, Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp tặng hoa cảm ơn đại diện các doanh nghiệp đồng hành |
Theo PGS.TS Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cơ sở giáo dục đào tạo cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về ngành nghề để dần xoá đi tâm lý sinh viên thích theo học tại thành phố lớn; Mời gọi chuyên gia, nghệ nhân đầu ngành về cộng tác tại trường với những chế độ đãi ngộ tương xứng.
“Các trường đào tạo phải nhìn nhận hoạt động trên cơ sở chú trọng 2 vấn đề: Chiến lược giáo dục đào tạo và chiến lược kinh doanh. Trong đó, phải coi đào tạo mỹ thuật ứng dụng vừa là một lĩnh vực nghệ thuật, vừa là một ngành sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
TS. Lê Trọng Nga, Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp phát biểu tại tọa đàm |
Trường có thể đưa ra định hướng phát triển xưởng, công ty sản xuất trong nhà trường, phục vụ ứng dụng cho các thiết kế tốt của sinh viên. Các bạn sinh viên cũng vừa có nơi thực hành ứng dụng bài, thêm thu nhập, khi quy mô hơn nữa có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp để thường xuyên có mẫu mã mới chào hàng cho thị trường trong và ngoài nước…”, PGS.TS Nguyễn Lan Hương cho hay.
Ths. Lê Thân (trường Đại học Hòa Bình) khẳng định: “Hợp tác và liên kết giữa đào tạo đại học với doanh nghiệp là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội nói chung và đặc biệt trong đào tạo cử nhân mỹ thuật ứng dụng nói riêng; Tăng thêm nguồn nhân lực chuyên sâu và chuyển giao công nghệ trong nghệ thuật thiết kế sản phẩm, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghiệp 4.0". |
Giao thoa công nghệ và thời trang
TS. Bùi Mai Trinh, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cho rằng, các chương trình đào tạo thiết kế thời trang được xây dựng dựa trên hệ thống kiến thức đa ngành, liên ngành nhằm mục đích trang bị cho người học sự hiểu biết và kỹ năng đa dạng, nâng cao vốn văn hoá, gu thẩm mỹ và tính sáng tạo. Đây là tiền đề cho sự phát triển nghề nghiệp của các nhà thiết kế trẻ trong tương lai.
Sự giao thoa giữa công nghệ và thời trang đang và sẽ tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc. Trong bối cảnh này, đào tạo thiết kế nói chung và đào tạo thiết kế thời trang nói riêng cần khẳng định vai trò tiên phong trong việc định hướng sự phát triển của ngành, lan toả ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
Do vậy, các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng cần chuẩn bị nguồn lực để có thể trang bị cho nhà thiết kế thời trang trẻ kiến thức đa ngành, liên ngành. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tương lai của lĩnh vực công nghệ và thời trang. Bên cạnh đó, đào tạo thiết kế thời trang cũng cần chú trọng đến các vấn đề về quyền riêng tư và tính hợp pháp trong việc thu thập, phân tích, chuyển đổi dữ liệu, chia sẻ dữ liệu thông qua điện thoại thông minh hoặc các phương tiện truyền thông xã hội.
Giảng viên, chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm |
Nhà trường, doanh nghiệp cùng liên kết, hợp tác
Còn Ths. Phạm Hữu Lợi, trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng, mặc dù công tác đào tạo mỹ thuật ứng dụng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản và thách thức như hiện nay nhưng những thách thức đó đồng thời cũng mang đến nhiều cơ hội cho công tác đào tạo mỹ thuật ứng dụng, để tìm ra hướng đi mới, mang lại nhiều giá trị hơn.
Trưng bày kết quả đào tạo năm 2023 của khoa Tạo dáng công nghiệp |
Theo Ths. Lợi, cơ sở đào tạo nên thường xuyên trao đổi, hợp tác với doanh nghiệp, thường xuyên cập nhập và nâng cấp phương pháp giảng dạy từ phía người dạy, xây dựng các mô hình học tập song hành và gắn liền với thực tiễn, xây dựng mô hình đào tạo mỹ thuật ứng dụng mới, có hiệu quả, giúp nhà trường và sinh viên định hình một cách làm việc và học tập mới.
Các thầy cô, chuyên gia tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm tại trường Đại học Mở Hà Nội |
“Nhà trường cũng cần sử dụng mạng xã hội như Facebook để tạo hiệu ứng truyền thông đối với các hoạt động chuyên môn, thành tích, giải thưởng trong nước, ngoài nước; Cần có sự tương tác của giáo viên và sinh viên trong các chủ đề mang lại sự hứng khởi trong học tập…”, Ths. Phạm Hữu Lợi chia sẻ.
TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: "Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, công tác đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng với các ngành như: Thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang và ngành kiến trúc đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách nhất định, đặc biệt là trong vấn đề định hướng phát triển.
Trong chiến lược phát triển đào tạo, trường Đại học Mở Nội nói chung, khoa Tạo dáng công nghiệp nói riêng xác định, đào tạo các ngành mỹ thuật ứng dụng, ngành kiến trúc lấy người học làm trung tâm, đào tạo phải gắn với thực hành, thực tế, lý thuyết đi đôi với thực hành. Chính vì vậy, trong nhiều năm trường đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp liên quan trực tiếp, gián tiếp đến các ngành đào tạo. Dịp này, trường Đại học Mở Hà Nội ký kết biên bản ghi nhớ với 6 doanh nghiệp. Việc ký biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội quan sát, thể nghiệm thực tế của sinh viên…". |