Giáo dục Thủ đô bắt đầu năm học mới với nền tảng vững chắc
Lá cờ đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Ngành Giáo dục Ba Đình triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tập huấn phương pháp giáo dục “Vận động sáng tạo” |
Là lá cờ đầu của cả nước trong công tác giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự kì vọng của Nhân dân. Những thành tựu xuất sắc đạt được trong năm học trước đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho thầy và trò các nhà trường bước vào năm học mới…
Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hân hoan chào đón học sinh lớp 1 năm học 2023 - 2024 |
Tiền đề vững chắc
Báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023 tại hội nghị tổng kết năm học của ngành Giáo dục Thủ đô, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: "Năm học vừa qua, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Công tác giáo dục đại trà được quan tâm. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 được các quận, huyện, thị xã, các trường hưởng ứng, triển khai thực hiện. Qua 6 tháng triển khai thực hiện, đến nay, 30/30 (100%) Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; 80 trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức ký kết về hợp tác về giáo dục tham gia phong trào.
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của Sở GD&ĐT Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các quận nội thành và các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô; Giảm thiểu tình trạnh học sinh bỏ học, học sinh “ngồi nhầm lớp”; Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau, thực hiện tốt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Điểm nhấn của giáo dục Thủ đô năm học 2022 - 2023 là kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2022 - 2023 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Kết quả, số học sinh tuyển sinh trực tuyến lớp 1 đạt 107.200/132.435 học sinh, đạt 81%; Số học sinh tuyển sinh trực tuyến lớp 6 đạt 112.795/131.255 học sinh, đạt 86%.
Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 8 học sinh đạt giải quốc tế. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại của ngành. Trong đó có công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập. Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn chưa cao. Chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giữa các quận và các huyện trên địa bàn thành phố còn khoảng cách.
Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng còn những hạn chế…
Lễ chào cờ thứ đầu tuần của học sinh trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành |
Nỗ lực cho năm học mới, thắng lợi mới
Năm học 2023 - 2024 chuẩn bị bắt đầu với nhiều kì vọng mới mà Đảng, Nhân dân dành cho ngành Giáo dục. Từ 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố, các thầy, cô giáo đang nỗ lực từng ngày để sẵn sàng mọi điều kiện đón các em học sinh tới trường.
Những hạn chế, tồn tại từ năm học trước như tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở cấp Tiểu học; Khó khăn trong triển khai dạy học tích hợp ở chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS, thiếu trường công cho học sinh THPT đang được ngành nỗ lực khắc phục.
Đồng thời với việc đề nghị cơ quan chức năng sớm tổ chức tuyển dụng giáo viên bổ sung, các phòng giáo dục và đào tạo và nhà trường đều khẳng định đã chủ động có giải pháp khắc phục việc thiếu giáo viên để bảo đảm tổ chức dạy học đúng theo yêu cầu của chương trình trong năm học 2023 - 2024.
Học sinh trường THCS Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội |
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các trường của quận nội thành với các trường của huyện ngoại thành, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, thành phố đã triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”…
Về việc giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh, ông Trần Thế Cương yêu cầu từng nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch tuyển sinh và chuẩn bị điều kiện để tổ chức tuyển sinh trực tuyến tại tất cả các trường từ năm học 2024-2025. Nếu cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo của quận, huyện, thị xã nào còn để hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng thì người đứng đầu đơn vị, trường đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, hiện nay, thành phố Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50 đến 60 nghìn học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học, tuy nhiên, một số địa phương, đặc biệt là các quận nội thành hạn chế về quỹ đất. Thành phố Hà Nội đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng đối với các khối xây dựng; Xây dựng tầng hầm trong trường học…
Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 2.222.246 học sinh (tăng 68.917 học sinh so với cùng kỳ năm trước); có 124.493 giáo viên (tăng 1.525 giáo viên so với cùng kỳ năm trước) và 66.110 phòng học (tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước). Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023 - 2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo". Theo đó, ngành Giáo dục Thủ đô tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng gồm: Đào tạo, bồi dưỡng; Bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; Thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; Phương án phân luồng học sinh sau THCS, THPT; Sắp xếp lại hệ thống các trường học; Phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn có điều kiện... |