Giáo viên mầm non tư thục mưu sinh giữa đại dịch
Hỗ trợ giáo viên mầm non “vượt sóng” Covid-19 Ba Đình tập huấn kỹ năng giao tiếp cho giáo viên mầm non Giáo viên mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực nhất |
Chật vật kiếm sống
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều cô giáo mầm non trường tư thục đã bị tác động mạnh mẽ. Nghỉ dạy không lương suốt một thời gian dài, không ít giáo viên phải bán hàng online, làm công nhân… để kiếm sống.
Trong căn phòng trọ chật chội ở quận Thanh Xuân, cô Nguyễn Thu Dung vừa dán phong bì thoăn thoắt, vừa kể chuyện về cuộc sống của mình.
Nhiều giáo viên mầm non bán hàng online để kiếm sống |
Cô Dung cho biết, trước đây khi không có dịch, ở trường mầm non tư thục nơi cô đang dạy học thu nhập cũng chỉ đủ ăn, hai vợ chồng với 1 đứa con sống khá đầy đủ. 7 tháng nay phải ở nhà, kể cả chồng cô đang kinh doanh cũng phải ngừng lại vì giãn cách, thu nhập không có, tiền tiết kiệm cũng đã bỏ ra hết để chi tiêu, con lại đến độ tuổi đi học.
Cực chẳng đã, cô Dung tính đến chuyện làm thêm. Ban đầu, cô bán hàng online đồ ăn, thậm chí rủ người ăn đụng thịt lợn rồi chở thịt từ quê ra bán nhưng vì mới nên chưa có nhiêu khách, có hôm bán lãi được vài chục đến hơn một trăm nghìn, có hôm không bán được đồng nào.
Cô Dung lại đi xin làm công nhân dán phong bì, cắt bao nilon bọc vở… cứ có việc gì, cô đều nhờ người quen bảo lãnh để nhận về nhà làm thêm. Bên cạnh đó, cô vẫn duy trì việc bán hàng trên mạng để túc tắc nhặt nhạnh từng đồng.
“Chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình nhiều lắm: Tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày, điện, nước, tiền học hành cho con rồi tiền sữa… và đủ loại chi phí nhỏ lẻ khác nhau.
Trước dịch tiền ăn uống hàng ngày là 100-150 nghìn/ngày, nhưng hiện tại khó khăn, nguồn thu giảm đáng kể nên mỗi ngày sẽ phải tiết kiệm khá nhiều, tiêu không quá 100 nghìn đồng/ngày. Hay trước kia, gia đình luôn cố gắng duy trì cho con uống sữa hàng ngày để có sức khỏe tốt nhưng giờ thì chỉ thèm mới dám uống”, cô Dung kể.
Cô Nguyễn Thị Nga chuẩn bị đơn hàng để giao cho khách |
Cô Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1994, giáo viên tại trường Mầm non Mặt Trời Victory, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, đã phải nghỉ dạy không lương trong suốt một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống cá nhân cũng như gia đình của cô giáo.
Khi phải tạm dừng việc đến trường, cô Nga đã tự mày mò tìm mối kinh doanh online quần áo và các loại hạt dinh dưỡng để trang trải cuộc sống. Từ việc tìm kiếm nguồn hàng tốt, đăng tải hình ảnh, cho đến khâu đóng gói và giao hàng, cô Nga đều phải tự mình cố gắng hoàn thành để kiếm thêm thu nhập.
Cô Nga tâm sự: “Hôm nào bán được nhiều cũng kiếm được vài trăm nhưng có nhiều hôm cũng không bán được thì tôi cũng không có thu nhập. Nhiều lúc cũng áp lực và mệt mỏi lắm nhưng tôi vẫn phải cố gắng vì con thôi. Vào nghề mấy năm rồi, tôi chưa bao giờ mình cảm thấy khó khăn như lúc này”.
Không chỉ cô Nga, cô Dung mà đa số các giáo viên mầm non tư thục ở xa nhà về Hà Nội làm việc, khi dịch Covid-19 ập đến, các cô đều phải lăn lộn, làm nhiều công việc vất vả để mưu sinh…
Mong dịch hết để được đến trường
Dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, cuộc sống nhưng khi được hỏi về việc trở lại trường khi hết dịch, cô Nga, cô Dung và nhiều cô giáo khác vẫn dành một tình yêu đặc biệt với nghề. Các cô mong muốn được trở lại trường, được đứng lớp dạy học.
Cô Nga cùng các học trò nhỏ trên lớp (Ảnh tư liệu) |
Cô Nguyễn Thị Nga tâm sự: “Khi mới làm giáo viên tại trường mầm non tư thục, mình cũng gặp không ít khó khăn vất vả, gia đình cũng khuyên mình dừng lại, bởi cái nghề làm dâu trăm họ, lương lại không cao. Làm nghề khác đỡ vất vả hơn”.
Ngược lại, cô giáo trẻ vẫn một lòng với nghề bởi cô yêu những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ. “Vì mình yêu nghề nên tha thiết bám nghề. Nếu trông chờ vào đồng lương mầm non thì chắc mình đã bỏ nghề lâu rồi. Đúng là nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng nhưng khi đã làm việc và tâm huyết rồi thì sẽ hết mình vì nó”, cô Nga cho hay.
Cô Nguyễn Thu Dung cũng chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, lương dạy học chưa đủ trang trải cuộc sống nhưng mình cũng dành rất nhiều tình yêu và niềm đam mê cho nghề cô nuôi dạy trẻ này.
Mình cũng đã tính toán đến việc đi làm ở công ty nào đó rồi nhưng thực sự thấy tâm trạng không được vui, luôn nhớ đến lớp học và những gương mặt ngây thơ, trong sáng của các con… Vì thế mình nghĩ, có lẽ nghề cô nuôi dạy trẻ là công việc khiến mình vui vẻ, hạnh phúc hơn cả.
Mình mong dịch bệnh được đẩy lùi, các trường được mở cửa trở lại, hàng ngày mình lại đứng đón các con ngoài cửa lớp…”.
Cô Nguyễn Thị Nga cùng các bạn chụp ảnh tổng kết (Ảnh tư liệu) |
Nếu như giáo viên ở trường công lập nghỉ việc còn có lương, thì giáo viên tại các trường tư thục lại phải tự cố gắng kiếm sống trong thời gian các trường học đóng cửa. Chắc chắn không vì lòng nhiệt huyết và yêu nghề, có lẽ các cô sẽ phải gác lại niềm đam mê để làm những việc khác có thu nhập cao hơn, ổn định được cuộc sống trong thời điểm khó khăn này.