Giấy phép lái xe được cấp điểm mỗi năm: Công khai dữ liệu vi phạm
Cảnh sát giao thông kiểm tra hành chính với chủ phương tiện tham gia giao thông |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong nghị quyết này, đáng chú ý là việc Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định về điểm của giấy phép lái xe.
Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.
Theo quy định, nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì lái xe phải thi lại, nếu không bị trừ hết điểm thì được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp; Hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì được cộng điểm, tức là có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hằng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.
Thông tin trên đã nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng. Anh Tuấn Anh (36 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ quy định gì thì an toàn cũng đặt lên trên hết. Ngày nào lên báo cũng đọc thông tin tai nạn giao thông nghiêm trọng ở đâu đó. Nếu như quy định này hạn chế được tai nạn giao thông, đảm bảo được an toàn, cá nhân tôi hưởng ứng. Nhiều người sợ thêm quy định là thêm giấy phép con, nhũng nhiễu nhưng tôi nghĩ nếu mình đi đúng thì không ai làm gì được cả”.
TS Nguyễn Văn Đức - chuyên gia trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam cho biết, việc quy định điểm tương ứng cho mỗi GPLX được nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc... áp dụng từ lâu.
Số điểm này sẽ được quản lý, theo dõi trên hệ thống máy tính. Khi tài xế bị phạt, thông tin về điểm GPLX sẽ được tự động cập nhật và trừ đi tương xứng. Về cơ bản thì cách quản lý GPLX bằng điểm ở các nước đều giống nhau khi dựa trên lỗi vi phạm của tài xế. Tuy nhiên, mỗi nước lại có thời gian bảo lưu điểm khác nhau, như với Mỹ là 4 năm, ở Anh có những lỗi vi phạm bị lưu tới 11 năm... Điều đó là do hạ tầng giao thông, cách quản lý ở mỗi nước là khác nhau để phù hợp với điều kiện riêng.
Bộ Công an khẳng định, sẽ xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ. Dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.
Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông triển khai phần mềm xử lý phạm. Khi phần mềm này ra đời, toàn bộ phương tiện vi phạm, giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ có trong dữ liệu. Khi Cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm này, từ đó kiểm soát được tất cả những lỗi lái xe đã vi phạm.
Dữ liệu này sẽ được kết nối với hệ thống quản lý cấp đổi giấy phép lái xe. Việc này không phát sinh thủ tục hành chính cho người dân. Sự kết nối thông qua công nghệ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là giữa Cảnh sát giao thông với người dân sẽ dễ dàng hơn.