Giới trẻ làm đồ handmade kiếm tiền tiêu Tết
Mứt tết do các bạn trẻ tự tay làm đã thu hút nhiều khách mua
Bài liên quan
Phong tục gói bánh chưng ở làng cổ Đường Lâm
Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà Tết tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội
Chủ nhân của những sản phẩm này đều là những bạn trẻ. Trước hết, họ làm để bản thân và gia đình thưởng thức trong những ngày Tết, một phần là để kiếm thêm thu nhập.
Gắn bó với công việc nấu nướng được 10 năm, Nguyễn Tuấn Vũ ( Facebook The Vuu Cakes) chia sẻ rằng, mình làm vì niềm đam mê. Vũ từng có thời gian theo học làm bánh 3 năm tại Pháp, về nước, anh làm việc tại một khách sạn khoảng hơn một năm rồi ra kinh doanh online.
Tất cả các sản phẩm mứt, bánh kẹo đều được Vũ lựa chọn rất kỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Trước khi đưa sản phẩm ra bán cho mọi người mình phải làm thử và để cho những người trong gia đình mình ăntrước, nếu mọi người phản hồi tốt mình mới bán cho khách”, Vũ chia sẻ.
Càng cận tết, số lượng đơn hàng của khách hàng ngày tăng mình phải thuê thêm cả người tư vấn, chốt đơn cho khách còn bản thân chỉ tập trung vào chuyên môn làm cho ra một sản phẩm chất lượng. Ai làm công việc nấu nướng rồi mới thấy sự vất vả của nó, từ quy trình chọn nguyên liệu đầu vào rồi thực hiện đến khi ra thành phẩm còn phải trang trí sao cho hấp dẫn. Những ngày áp tết mình căng sức làm để có bánh đúng hẹn cho khách. Nhưng chỉ cần khách hài lòng, gửi vài tin nhắn khen ngợi là mình lại có thêm động lực để tiếp tục công việc, Vũ tâm sự.
Sau một thời gian kinh doanh, Vũ đang có hàng trăm khách ruột gồm bạn bè, người thân, doanh nghiệp nên doanh thu cũng tốt, có thể trang trải cuộc sống gia đình. “Từ khi kinh doanh bán bánh, trừ đi các chi phí nguyên liệu, tiền thuê mặt bằng mỗi tháng mình cũng lãi được từ 8 – 10 triệu, những dịp giáp tết số lượng người mua nhiều hơn nên doanh thu cũng tăng hơn các tháng trong năm”, Vũ bày tỏ.
Không giống như Vũ làm bánh bán quanh năm, Hoàng Hạnh Nhi (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ kinh doanh mứt handmade và các loại hoa quả sấy bán trên mạng xã hội. Tất cả các khâu từ bổ dừa, xử lý cùi đến sên mứt, đóng gói đều do chính tay Hạnh Nhi làm. Nhiều khách quen hỏi mua sớm, khách mới thì mua ăn thử rồi chọn loại ngon để tết đặt đi biếu hoặc đãi khách. “Càng Tết thị trường bánh, mứt kẹo càng bát nháo, lo ngại chất lượng mứt trôi nổi trên thị trường, đồ nhà làm càng được ưa chuộng, hàng handmade trở thành lựa chọn thay thế của nhiều người”, Hạnh Nhi chia sẻ.
Mình làm mứt và hoa quả sấy bán dịp tết một phần là để kiếm thêm thu nhập, có thêm những trải nghiệm về quản lý cho bản thân, quan trọng hơn là những sản phẩm này vừa làm cho người nhà vừa làm cho khách nên không có chất bảo quản, được làm thủ công 100%, tùy điều kiện thời tiết và cách bảo quản, những sản phẩm handmade có thể thể được từ 7 – 10 ngày, cao nhất là 1 tháng nếu để tủ mát, Hạnh Nhi chia sẻ thêm.
Ngoài bánh, mứt, hoa quả sấy thì thịt bò khô hay thịt trâu gác bếp cũng là sản phẩm thu hút được nhiều khách hàng đặt mua. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ nhanh chóng bị nản khi vừa mới bắt đầu “tập tành” kinh doanh. Lê Dung, cô bạn trẻ chưa lập gia đình là một trường hợp như thế. Có sẵn mối người nhà ở quê làm thịt trâu gác bếp nên Dung cũng đăng tin bán phục vụ khách hàng dịp Tết.
“Khách hàng của mình chủ yếu là bạn bè và đồng nghiệp cơ quan với lại số lượng mọi người mua cũng ít không nhiều nên mình cảm thấy hơi nản trong việc kinh doanh, hoặc có thể do mình không có duyên trong việc kinh doanh”, Dung tâm sự.Theo Dung, mỗi 1kg thịt trâu gác bếp trừ đi chi phí thì cô lãi được 50 nghìn đồng, số tiền không đủ để làm giàu nhưng công việc kinh doanh đem đến cho cô nhiều bài học từ thực tế.
Chuyên gia ẩm thực Phạm Ánh Tuyết nhận định, xu hướng làm đồ handmade rồi tự kinh doanh online đang khá thịnh hành. Các bạn trẻ chỉ cần có chút năng khiếu, sự đam mê, yêu nghề muốn gắn bó với nghề lâu dài thì có thể tự lập và sống được bằng nghề. “Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Chưa kể, sự cạnh tranh của nghề cũng rất khốc liệt, mình làm được thì những người khác cũng có thể làm được nên những người làm cần phải có tâm, làm ra những món ăn phục vụ khách hàng như chính những người thân trong gia đình mình thì mới có thể trụ vững được”, chuyên gia Ánh Tuyết chia sẻ.