Giới trẻ với xu hướng “thanh lọc” mạng xã hội
Tận dụng mạng xã hội trở thành bệ phóng phong trào thanh niên Ngăn chặn nguyên nhân, mầm mống lừa đảo trên không gian mạng |
Trước đây, mỗi ngày Vũ Thu Hằng (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) dành 8 tiếng/ngày để vào mạng xã hội và sử dụng điện thoại di động. Nào lướt Facebook, Zalo, Instagram, Youtube…, cô gái trẻ như bị “nghiện” thế giới ảo. Cùng lúc Hằng sử dụng nhiều nền tảng khác nhau. Thậm chí có những hôm cô thức quá nửa đêm để lướt mạng, khiến đầu óc cảm thấy mệt mỏi khi đi làm vào ngày hôm sau
Thời gian đắm chìm vào thế giới ảo đã khiến Hằng ngủ ít, da mặt xấu đi, nổi nhiều mụn và nhìn đôi mắt lúc nào cũng mệt mỏi. Thế rồi, cô gái 9X cũng tự kéo mình ra khỏi thể giới ảo. Để khắc phục tình trạng này, giờ đây, Hằng dành phần lớn thời gian rảnh tập gym, còn mạng xã hội được dùng chủ yếu cho một số điều cần thiết khác.
Cô nàng cho biết:"Bây giờ, mình dùng mạng xã hội để tìm kiếm kinh nghiệm, kiến thức phục vụ cho việc nâng cao kỹ năng, trình độ và tập luyện của mình. Mỗi ngày, mình bỏ ra khoảng một tiếng để xem các chuyên gia, người có sức ảnh hưởng chia sẻ nghiên cứu, bài viết cũng như những kiến thức của họ trên mạng xã hội”.
Dù đã làm nên kênh Youtube riêng với hàng nghìn người đăng ký theo dõi nhưng Võ Hoài Nam (28 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn lọc bớt bạn bè và hạn chế lướt mạng xã hội. Nam cho biết việc sử dụng mạng xã hội từng khiến cậu khó tập trung khi học và làm việc do liên tục "hóng" theo các thông tin mới, giật gân.
Bạn trẻ lọc danh sách bạn bè trên trang Facebook cá nhân |
Trưởng thành hơn trong cuộc sống, bận rộn với công việc, Võ Hoài Nam dành thời gian cho công việc tại công ty riêng của mình, với quyết tâm chinh phục các mục tiêu đề ra trong tương lại, làm chủ sự nghiệp, tự mua nhà, mua xe. Vậy nên, chàng trai trẻ đã dặn mình “thanh lọc” mạng xã hội để không lãng phí thời gian, tập trung cho mục tiêu.
Từ hai năm nay, Nam tắt gần như toàn bộ thông báo ứng dụng trên điện thoại để làm việc hiệu quả hơn. Thậm chí, cậu không cài ứng dụng Facebook trên smartphone mà chỉ dùng khi mở máy tính. Zalo cũng chỉ dùng với tính năng trao đổi thông tin công việc với các thành viên trong công ty và cộng sự, chứ không phải là nơi khoe ảnh. Tài khoản Instagram của Nam ban đầu theo dõi 300 người nhưng hiện giảm còn 150 người.
Mạng xã hội nở rộ trong thời đại công nghệ số |
Ngọc Hà Hương và Mai Hồng Thắm (trú tại Đống Đa, Hà Nội) từng học cấp 3 cùng nhau, lâu ngày không gặp, hai bạn hẹn nhau tâm sự tại quán cà phê. Trước đây họ gặp nhau nhưng mỗi người một chiếc điện thoại và lướt mạng, hoặc nhanh chóng cùng nhau chụp ảnh selfie, gọi đồ uống để đăng lên Facebook, Instagram. Tuy nhiên, giờ đây, họ gặp nhau bàn chuyện công việc, học tập… mà không dùng điện thoại trong suốt thời gian nói chuyện. Các cô gái trẻ này đang giảm bớt sống ảo trên mạng xã hội, thêm thời gian cho cuộc sống thật.
Hà Hương chia sẻ: “Mình bỗng dưng thấy chán mạng xã hội, thế giới ảo. Không giống như trước, đi đâu cũng phải chụp rồi chỉnh sửa ảnh “cúng facebook” hay đăng status lên trang cá nhân, bất kể chuyện vui buồn, bây giờ, mình đã dửng dưng với mạng xã hội. Có khi cả tháng mình không đăng một bài viết hay tấm ảnh nào lên Zalo, Facebook. Mình chỉ muốn được gặp bạn bè và cùng nhau hàn huyên, thưởng trà…”.
Dù không thể phủ nhận những lợi ích của mạng hội trong việc kết nối cộng đồng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết sử dụng mạng xã hội như thế nào để không bị đắm chìm trong thế giới ảo, vừa mất thời gian, lại tổn hại cả sức khoẻ, tinh thần. Nhiều bạn trẻ trong thời đại cách mạng công nghệ số như vũ bão nhưng họ đã nhận ra được điều này và có xu hướng "thanh lọc" mạng xã hội, biết sử dụng nó vào những mục đích ý nghĩa, hữu ích hơn.