Giúp người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp sớm tìm được việc làm phù hợp
Người lao động tìm việc tại các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Bài liên quan
Cơ hội việc làm dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mức hỗ trợ học nghề khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Xử lý hình sự doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài
Cơ hội việc làm dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐ,TB&XH) cho thấy, trong 10 năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thu được những kết quả tích cực, đối tượng tham gia BHTN dần được mở rộng.
Những công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Người lao động chỉ cần đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng và ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN.
Đánh giá về chính sách này, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH) Lê Quang Trung cho biết, kể từ khi chuyển chế độ bảo hiểm thất nghiệp sang thực hiện theo Luật Việc làm, đã có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động so với quy định trước đây của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng đầy đủ bốn chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ chín tháng trở lên; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.
Thực hiện kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 25/01/2019 của UBND Thành phố Hà Nội về Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019; Căn cứ vào Kế hoạch 798/KH-TTDVVL ngày 14/11/2019 về việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động hưởng Bảo hiểm thất nghiệp; Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thường xuyên tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.
Tư vấn tìm việc làm phù hợp cho các lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp |
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm tìm được việc làm để quay lại với thị trường lao động.
Các sàn giao dịch việc làm sẽ tổ chức thường xuyên những phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đang hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp, trong một phiên giao dịch sẽ có sự tham gia của từ 30 đến 40 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng với các vị trí, ngành nghề đa dạng, mức lương hấp dẫn.
Người lao động đặc biệt là lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp với khả năng của bản thân.
Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài Hà Nội nhằm thu thập thông tin về tuyển dụng, việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động;
Hình thức tư vấn tìm việc được tổ chức phù hợp với người lao động như tư vấn trực tiếp chuyên sâu, tư vấn trực tuyến qua internet, thư điện tử, điện thoại, cập nhật trên fanpage, lập các nhóm group trên facebook...
Nguồn dữ liệu việc làm được Trung tâm Dịch vụ Việc làm lấy từ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến đăng ký tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, đăng ký trực tuyến trên website, sau đó thống kê và lập bảng danh sách việc làm trống để giới thiệu đến người lao động.
Hỗ trợ học nghề dành cho lao động thất nghiệp
Thông qua phiên giao dịch việc làm, người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội gặp nhau. Người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tìm được việc làm mới ổn định, các doanh nghiệp tìm được người phù hợp về trình độ, khả năng vào làm việc, đã có kinh nghiệm với công việc.
Ðồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ sở đào tạo nghề có thể nắm bắt sát hơn nhu cầu tìm việc trên thị trường để có các giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, giảm số lượng lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tham gia phiên giao dịch việc làm sáng 26/11 của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), anh Nguyễn Văn Hải (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Do công ty cũ cắt giảm nhân sự nên tôi nghỉ việc đã 3 tháng nay. Tuy nhiên, nhờ có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tôi được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm và nhận trợ cấp trong thời gian thất nghiệp. Tham gia phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngày 26/11, tôi đã tìm được nhiều nơi có nhu cầu tuyển dụng phù hợp năng lực của mình".
Đa số lao động đăng ký thất nghiệp là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%), đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền trợ cấp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống, nên không có điều kiện để tái đầu tư cho kỹ năng làm việc. Do vậy, tâm lý chung của những người thất nghiệp là dành thời gian kiếm sống bằng các công việc không chính thức khác để duy trì cuộc sống trước khi tìm được việc làm mới.
Do đó, bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm còn mở rộng liên kết với các đơn vị cơ sở đào tạo nghề được Nhà nước cấp phép trên địa bàn thành phố để làm sao giúp người lao động có nhiều cơ hội, có nhiều ngành nghề để lựa chọn, cũng như có nhiều cơ sở đào tạo nghề để người lao động có sự lựa chọn để gần với nơi ở nhất.
Các nghề liên kết đào tạo được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường hiện nay, như: Lái xe, nấu ăn, kĩ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng, kế toán, may công nghiệp...
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 31.687 người lao động đến nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHTN. Con số này tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, 100% NLĐ đến Trung tâm nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về hỗ trợ học nghề cũng như là giới thiệu việc làm quay trở lại thị trường lao động.
Vốn học đại học chuyên ngành quản lý giáo dục nhưng khi ra trường chị Nguyễn Thanh Vân chỉ tìm được việc làm ở một doanh nghiệp xây dựng.
Trái ngành, trái nghề, không phát huy được năng lực, sở trường, chị đã quyết định chấm dứt hợp đồng để đi tìm một việc làm mới, phù hợp hơn. Sau khi đến nộp hồ sơ tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (215 Phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), chị không chỉ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định, mà còn được tư vấn, giới thiệu vào làm việc tại môi trường mới phù hợp hơn.