Giúp thanh thiếu nhi Thủ đô nâng cao ý thức phòng cháy và chữa cháy
Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội, từ năm 2012 đến hết quý 3 năm 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 2.766 vụ cháy, làm chết 89 người, 126 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 811 tỷ đồng và 12 ha rừng.
Trước những thực trạng về công tác phòng cháy và chữa cháy đó, việc tham gia quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong TP Hà Nội là vô cùng cần thiết. Trong đó, đoàn viên, thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy.
Đồng chí Đỗ Xuân Chi, Bí thư Đoàn Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP đã chỉ đạo các cơ sở đoàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị trên địa bàn đóng quân trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy. Qua đó đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn cho Hội sinh viên thành phố, đoàn viên, thanh niên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các cấp và cán bộ chủ chốt của một số quận, huyện đoàn, đoàn phường, xã, thị trấn”.
Đồng chí Đỗ Xuân Chi
Theo đó, nhiều mô hình hay đã được triển khai như tham gia chương trình “Phát động phong trào Thanh niên Thủ đô với phòng chống tai nạn thương tích” hàng năm do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, chương trình “Sân chơi cuối tuần” tại các quận, huyện vào thứ bảy, chủ nhật; chương trình “Ngày hội thanh niên với phòng cháy và chữa cháy” do Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy số 4 tổ chức trên địa bàn Quận Long Biên; phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng tổ chức chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa”; tổ chức cho các cháu mầm non thăm quan các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội.
Qua các chương trình trên, các bạn đoàn viên, thanh niên, học sinh đã được trang bị những kiến thức cơ bản về Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản có liên quan; về cách đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy tại gia đình, nơi công tác trong sử dụng điện, gas, nơi thờ cúng, thắp hương, …; cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; cách sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu; các bước xử lý sơ cứu ban đầu khi bị tại nạn thương tích.
Để làm tốt hơn công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho đối tượng thanh thiếu nhi trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Đỗ Xuân Chi cho biết: Đoàn Thanh niên Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP sẽ chủ động tham mưu cho Đảng ủy – Ban Giám đốc và Thành đoàn Hà Nội tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền an toàn phòng cháy và chữa cháy trong các cấp bộ Đoàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2022. Trong đó trọng tâm là tham mưu Thành đoàn Hà Nội triển khai đề án tổ chức tuyên truyền phòng cháy và chữa cháy cho 100% cán bộ đoàn chủ chốt các quận, huyện, thị xã, đoàn phường, xã, thị trấn, đoàn thanh niên, hội sinh viên các trường Đại học, cao đẳng và tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về PC&CC, tìm hiểu pháp luật, các cuộc thi ảnh, thi viết về tuyên truyền phòng cháy và chữa cháy.
Theo đồng chí Đỗ Xuân Chi, các cấp bộ Đoàn cần thay đổi về nhận thức và sự quan tâm đối với công tác phòng cháy và chữa cháy, chủ động hơn trong việc tham mưu cho Cấp ủy – lãnh đạo đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy cho các đơn vị và cấp bộ Đoàn trực thuộc; thành lập các tổ đoàn viên, thanh niên xung kích tham gia tuyên truyền phòng cháy và chữa cháy tại các đơn vị, gia đình và nơi làm việc; triển khai các chiến dịch tuyên truyền tại địa phương thông qua các cơ quan thông tin đại chúng như Đài phát thanh quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Thường xuyên tổ chức theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền. Vận động đoàn viên thanh niên xung kích tham gia các đội dân phòng, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở tại nơi cư trú, làm việc. Đề xuất kinh phí tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy cho các cấp bộ Đoàn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ tuyên truyền và triển khai các hoạt động tuyên truyền...
Đội ngũ tuyên truyền viên của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP nghiên cứu các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng khu vực địa bàn, từng nhóm đối tượng cụ thể, có các video, hình ảnh trực quan sinh động, tài liệu dễ hiểu, gần gũi với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó tiếp tục phát triển và duy trì các mô hình mới về tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, như: tổ chức tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, xe gắn máy tại các tuyến phố; tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn phòng cháy chữa cháy; triển khai “Học kỳ lính cứu hỏa” cho đối tượng học sinh cấp 1, 2; mô hình “Tập làm lính cứu hỏa” cho các cháu mầm non; tuyên truyền qua các hệ thống loa phát thanh tại các điểm nút giao thông trọng điểm, các phường, xã, thị trấn; duy trì chuyên mục an toàn phòng cháy chữa cháy trên sóng Truyền hình Hà Nội, ANTV...
Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy phù hợp với các quy định về phòng cháy chữa cháy và đề xuất Sở Giáo dục và đào tạo TP Hà Nội bổ sung chương trình, nội dung giảng dạy về an toàn phòng cháy chữa cháy vào chương trình ngoại khóa của các trường phổ thông. Tổ chức cho các lớp đi thăm quan thực tế tại các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy để các bạn học sinh hiểu về nghề Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP và nâng cao ý thức hơn về công tác phòng cháy và chữa cháy.