Người trẻ “đánh thức” tiềm năng di sản
Khám phá những điều lý thú trên "giao lộ di sản" của Hà Nội Từ nguồn lực di sản đến tiềm năng kinh tế sáng tạo Dòng chảy di sản trong Festival Ninh Bình 2024 |
Tuổi trẻ lan tỏa sức mạnh thành phố sáng tạo
Mới chỉ những ngày đầu, sự kiện đã khiến những trái tim trẻ đập rộn ràng trước trục hành trình trải nghiệm 7 công trình di sản nổi tiếng của Hà Nội. Khi bước vào không gian của triển lãm, sự hào hứng và niềm đam mê tràn ngập trong ánh mắt tò mò của các bạn trẻ. Nhiều người không dấu nổi sự bối rối và thích thú trước những công trình lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Bạn Nguyễn Thuỳ Dung (25 tuổi, quê quán tại Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Sự hưởng ứng nhiệt tình từ mọi người về ngày hội và câu chuyện văn hoá đã thôi thúc bản thân tôi vào chiêm ngưỡng những địa điểm tham quan. Dù đã chuẩn bị tinh thần địa điểm Bắc Bộ Phủ này sẽ rất đông, nhưng tôi vẫn bất ngờ trước không khí vui vẻ của mọi người”.
Ban tổ chức đã sắp xếp hướng dẫn viên tại Bắc Bộ Phủ để giúp du khách hiểu được những câu chuyện xoay quanh địa điểm này. |
Cũng chính nhờ không khí náo nhiệt và sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn đồng trang lứa, nhiều bạn trẻ đã quyết định tham gia công tác tình nguyện viên cho sự kiện. Hoàng Thu Uyên (sinh năm 2003) chính là một trong những bạn trẻ như vậy. “Năm 2023, tôi tham dự sự kiện với tư cách một khách du lịch. Thành công của Lễ hội vào năm trước đã thôi thúc tôi trở thành tình nguyện viên, góp phần công sức nhỏ bé của mình vào một phần thành công của năm nay”.
Các bạn trẻ đắm chìm trong không gian văn hoá nghệ thuật tại công trình di sản Bắc Bộ Phủ. |
Với nhiều bạn trẻ, cảm xúc của họ không đơn thuần là sự ngưỡng mộ mà còn là sự đồng cảm, biết ơn khi những công trình này dù bám dần lớp bụi của dấu vết thời gian nhưng vẫn mang trong mình sức sống mạnh mẽ. “Bước qua ngưỡng cửa, tôi ngỡ ngàng trước kiến trúc Pháp cổ cách đây hàng trăm năm. Những hoa văn, mái vòm đan xen phong cách Á - Âu độc đáo. Đồng thời, triển lãm Hiện ở trong sân Bắc Bộ Phủ đã kéo dần khoảng cách giữa quá khứ và hiện đại, tạo nên điểm nhấn mới mẻ”, chị Lệ Tuyết (sinh năm 1992, quê tại Hà Nội) bày tỏ.
Nhiều người cũng chụp lại không gian bên trong Bắc Bộ Phủ nhằm lưu giữ kỉ niệm. |
Đối với nhiều bạn trẻ, không gian lễ hội không chỉ dừng lại ở việc thể hiện tài năng thiết kế mà còn là cách để họ tìm đến mối liên hệ với quá khứ. Những công trình cổ kính dường như bị lãng quên trong nhịp sống hối hả, giờ đây trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những bạn trẻ khát khao tìm lại dấu ấn lịch sử. Bạn Hoàng Kiệt (sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) hào hứng bày tỏ: “Việc mở cửa những không gian di sản đặc biệt của Thủ đô là cơ hội rất lớn đối với em. Những kiến trúc ở đây rất đa dạng, đan xen giữa quá khứ và hiện đại, thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong thiết kế cảnh quan đối với những sinh viên học về kiến trúc và nghệ thuật như em”.
Những công trình di sản là tiếng chuông đánh thức tiềm năng sáng tạo của Thủ đô. Sự quan tâm tích cực từ những người trẻ là động lực để một thành phố hướng tới sự hòa nhập và phát triển bền vững. Dựa trên những nối tiếp mạch nguồn truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng và niềm tự hào của những người trẻ khi mang trong mình sứ mệnh bảo tồn giá trị truyền thống và tôn vinh giá trị hiện đại.
Giáo dục từ trải nghiệm thực tế
Sự kiện là minh chứng cho sức sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời là phương tiện để thế hệ trẻ thể hiện tình yêu và lòng tôn trọng đối với những giá trị văn hoá đã tồn tại từ lâu.
“Dù con đường này em có đi qua hàng ngày nhưng lại không biết không gian trong Bắc Bộ Phủ như thế nào. Qua lời kể của anh hướng dẫn viên, em càng bồi hồi và xúc động trước câu chuyện lịch sử mà nơi này đã trải qua. Đây là cơ hội rất tốt để người trẻ như em có cơ hội tình hiểu về chính quê hương của mình”, Mai Thị Hải Anh (22 tuổi, quê quán tại Hà Nội) chia sẻ.
Sự kiện đồng thời là dịp để các gia đình cho con tham gia trải nghiệm thực tế, khám phá nét đẹp văn hoá. |
Một mục tiêu quan trọng của Lễ hội thiết kế sáng tạo là giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu quý những giá trị lịch sử, văn hoá của dân tộc. Với nhiều người, sự kiện là “khóa học” sống về giáo dục di sản, đưa câu chuyện lịch sử vào trong trải nghiệm thực tế ngay tại thành phố mình sinh sống. Bởi, sau vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, ẩn dấu những câu chuyện lịch sử mà có lẽ thế hệ trẻ chưa biết đến, như những vết đạn còn in trên hàng rào sắt Bắc Bộ Phủ qua bao năm biến thiên cùng dòng văn hoá Thủ đô.
Là tình nguyện viên tại địa điểm Bắc Bộ Phủ, bạn Nguyễn Trọng Đức (sinh năm 2003) cho biết, việc mở tham quan lần đầu tiên tại địa điểm này là lời nhắc nhở sâu sắc về quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Những công trình Thủ đô không phải nằm lặng lẽ trước sức sống hối hả của con phố mà được tái sinh và tôn vinh trong đời sống đương đại.
Anh Ngô Quang Dũng (sinh năm 1999, quê quán Hà Nội) cũng đồng tình: “Giao lộ sáng tạo” là chủ đề gần gũi với mọi người, đặc biệt là người trẻ, bởi họ đang ở độ tuổi sáng tạo và sức sống mãnh liệt nhất. Đây cũng là cơ hội tốt để cộng đồng người yêu thích kiến trúc, nghệ thuật nói chung được tận mắt chứng kiến nét đẹp di sản tầm cỡ, trải nghiệm thực tế này kết hợp cùng cá tính cá nhân của các bạn tạo ra những ý tưởng sáng tạo, có ý nghĩa với giá trị văn hoá truyền thống dân tộc”.
Không gian “Hành lang Thơ Ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội là địa điểm các bậc phụ huynh cho con mình đến thư giãn sau hành trình tham quan. |
Người lớn tuổi khi tham dự sự kiện cũng có dịp chia sẻ với thế hệ trẻ về ý nghĩa văn hoá, cách họ giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của các di sản kiến trúc. Chị Nguyễn Minh Thuỳ (35 tuổi, quê quán Hà Nội) từ sớm đã đưa con trải nghiệm khắp các địa điểm nằm trong trục tham quan của Lễ hội, với chị những mô hình độc đáo nằm giữa khung cảnh cổ kính mang lại trải nghiệm mới lạ và đầy tính nghệ thuật. Đến những di sản thành phố, chị Thuỳ hy vọng con mình biết trân trọng quá khứ, khơi gợi tình yêu nghệ thuật.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 không chỉ là nơi thể hiện tiềm năng nghệ thuật của các nhà kiến trúc, mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự kết nối giữa các thế hệ. Với không khí sôi động và giá trị tinh thần mà nó mang lại, nhiều người hy vọng sẽ tiếp tục còn lan tỏa mãi.