Góp phần phát hiện sớm và điều trị bệnh lao cho người nhiễm HIV
Phát hiện tích cực bệnh lao và lao tiềm ẩn
Theo văn bản 4067/QĐ-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV, việc phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV được thực hiện thông qua việc khám bệnh, sàng lọc lao bằng triệu chứng và có thể kết hợp với các xét nghiệm kỹ thuật cận lâm sàng bao gồm: Xét nghiệm CRP; Chụp X-quang ngực; Xét nghiệm LF-LAM nước tiểu; xét nghiệm Xpert MTB/RIF, Xpert Ultra hoặc các xét nghiệm sinh học phân tử khác.
Bệnh viện Phổi Hà Nội triển khai các hoạt động khám lưu động sàng lọc bệnh lao cho người dân trên địa bàn Thủ đô |
Quy trình phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV được thực hiện tùy thuộc vào việc phân loại các nhóm người nhiễm HIV, như sau: Người lớn và vị thành niên điều trị ngoại trú chưa điều trị ARV, điều trị lại hoặc thất bại điều trị ARV; Người lớn và vị thành niên đang điều trị ARV ngoại trú; Trẻ em điều trị ngoại trú; Người lớn, vị thành niên và trẻ em điều trị nội trú.
Người nhiễm HIV chưa điều trị thuốc ARV, điều trị lại hoặc thất bại điều trị ARV có nguy cơ cao mắc lao mới, hoặc lao tái phát do hệ miễn dịch bị suy giảm, có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, cần áp dụng chiến lược phát hiện lao tích cực có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
Để góp phần giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh lao ở những người bệnh nhiễm HIV/AIDS, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm, dự phòng và điều trị hiệu quả bệnh lao cho những người nhiễm HIV.
Khả năng mắc bệnh lao của người nhiễm HIV là 50% và cao hơn từ 10 đến 30 lần so người không nhiễm. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa công tác phòng chống lao và HIV sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV để điều trị, tránh lây lan, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh HIV.
Mối nguy hiểm khi đồng nhiễm lao và HIV
Để kịp thời phát hiện, điều trị lao cho người bị nhiễm HIV, bệnh viện Phổi Hà Nội cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, HIV và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám để được điều trị.
BS.CKI Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, với đặc thù của bệnh nhân HIV là suy giảm hệ miễn dịch, nếu người bệnh đồng nhiễm lao mà không được phát hiện sớm và điều trị, tình trạng bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng xấu rất nhanh và dễ dẫn đến tử vong.
Nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV cao hơn người bình thường do hệ miễn dịch bị suy giảm. Hằng năm, người nhiễm HIV cần thường xuyên khám tầm soát sàng lọc bệnh lao và chủ động phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân |
Tuy nhiên, người bệnh lao có nhiễm HIV/AIDS đến bệnh viện thường khi bệnh đã chuyển biến nặng, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, gia đình ít quan tâm chăm sóc. Một số trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, nên phải kéo dài thời gian điều trị, có trường hợp dẫn đến kháng thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát bệnh lao.
Do đó, Bệnh Phổi Hà Nội luôn chú trọng việc phát hiện và có phác đồ điều trị sớm nhằm góp phần phát hiện sớm người bệnh đồng nhiễm lao, HIV. Qua đó giúp người bệnh được điều trị hiệu quả, giảm thiểu lây lan, giảm tử vong và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.
Nếu người nhiễm HIV có một trong các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao phổi như ho kéo dài, sốt về chiều, khó thở… cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn khám, điều trị dự phòng bệnh lao. Bên cạnh đó, người bệnh tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV để đảm bảo hiệu quả quy trình điều trị.