Hà Giang: Chợ tình Khâu Vai trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Chợ tình Khâu Vai là chợ phiên đặc sắc nhất ở tỉnh Hà Giang. Chợ không chỉ là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm mà còn là nơi người ta tâm tình, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian.
Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 27 tháng 3 Âm lịch hằng năm là chợ họp. Hơn 100 năm nay, chợ vẫn được người dân duy trì đều đặn. Hiện nay, do kết hợp cùng các hoạt động văn nghệ, quảng bá văn hóa địa phương nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày. Phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27 tháng 3 Âm lịch và hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống.
Không chỉ lưu giữ chuyện tình yêu đẹp giữa chàng Ba và nàng Út với những giá trị nhân văn sâu sắc, chợ tình Khâu Vai còn là không gian văn hóa sinh động, đặc sắc, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.
Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa, chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy, bởi vậy mối tình bị ngăn cấm.
Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khâu Vai để trốn, sống qua ngày. Ở dưới bản, họ hàng cô Út mang cung nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, 2 người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc.
Trước khi chia tay họ hẹn 27 tháng 3 Âm lịch hằng năm sẽ lại đến Khâu Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách. Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27 tháng 3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.
Những năm qua, để xây dựng lễ hội Chợ tình Khâu Vai trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đồng thời gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc, tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc đã tổ chức lễ hội quy mô cấp tỉnh và huyện với nhiều hoạt động trải nghiệm, tái hiện lại những nét văn hóa độc đáo trong đời sống người vùng cao như: Dệt vải lanh truyền thống, giã bánh dày, các trò chơi dân gian; Lễ dâng hương, cầu duyên miếu ông, miếu bà; Lễ cầu mưa của người Lô Lô; Giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống với nội dung trình diễn thổi khèn Mông, hát dân ca dân tộc Nùng, múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; Múa nón, múa khăn, múa kiếm của dân tộc Giáy; Hát đối giao duyên qua ống dây, đánh yến, ném pao, tung còn, bắn nỏ, thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc...
Việc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng chợ Phong Lưu (Háng Phúng Lìu) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng các dân tộc toàn tỉnh Hà Giang. Đây là cơ hội để Hà Giang tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên tiềm năng di sản văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp về Hà Giang, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.