Hà Nội ấm áp nghĩa tình
Phát triển Hà Nội xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến Nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội của Thủ đô Khát vọng phát triển từ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa |
Tạo nền tảng an sinh vững chắc
Gần 3 năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố, làm nên những cú hích mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc bảo đảm cho hành trình phát triển an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn động viên, thăm hỏi người có công đang chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 3 |
Một số nghị quyết quan trọng của HĐND TP có thể ví như những "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt những hoạt động chính trong nhiệm kỳ này.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08/CTr-TU Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, những bước chuyển trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong đó, TP đã ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; ban hành một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội.
Đến nay, TP cơ bản không còn hộ nghèo; 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo; 3 quận không còn hộ cận nghèo. Đặc biệt, 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí…
Ngoài các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ, chính sách đặc thù của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 Chương trình số 08-CTr/TU |
Trong năm 2023, Quỹ "Vì người nghèo" 3 cấp đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ với tổng số tiền 58.417 tỷ đồng, số tiền đã tiếp nhận ủng hộ đạt trên 32 tỷ đồng; chi hỗ trợ với tổng số tiền trên 48.511 tỷ đồng.
TP trích 620 triệu đồng từ quỹ cứu trợ để hỗ trợ cho các nạn nhân trong các vụ hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng do bão lũ; phối hợp xây dựng phương án hỗ trợ các nạn nhân trong vụ hoả hoạn tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, với tổng số 132.278 tỷ đồng.
Cùng với đó, chính sách người có công luôn được quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao. Hiện tại, Hà Nội có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong đó, gần 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng.
Không những vậy, ngày 8/4/2022, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, HĐND TP đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, tập trung nguồn lực hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp, xây dựng khu nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên; bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hơn 80% dân cư khu vực nông thôn…
Thường trực Thành đoàn Hà Nội trao ủng hộ nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) tới Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân |
Theo đó, mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục, đào tạo, trợ giúp xã hội được quan tâm đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đặc biệt TP quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đặc biệt, trong năm 2023, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 200.000 người. Điều này bao gồm việc tạo việc làm cho hơn 38.000 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố, gần 17.000 người thông qua phỏng vấn và sàn giao dịch việc làm, cũng như việc đưa gần 5.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số liệu này cho thấy cam kết của TP Hà Nội trong việc thúc đẩy việc làm và hỗ trợ người lao động mất việc.
Một “con ngựa” đau, “cả tàu” chăm lo
Tinh thần tương thân, tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc ta từ nhiều năm qua. Phát huy nét đẹp đó, người Hà Nội đã đùm bọc, yêu thương nhau trong hoạn nạn, tô đậm thêm tính cách hồn hậu, thanh lịch và văn minh của người Tràng An.
Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét trong các hoạt động hỗ trợ cụ thể đến từng đối tượng gặp khó khăn, hoạn nạn. Đơn cử như sự đồng lòng, chung sức của lãnh đạo TP và Nhân dân Thủ đô trong việc hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, xảy ra vào giữa tháng 9/2023.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao ủng hộ cho các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) |
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ngay sau vụ hỏa hoạn, UBND, Ủy ban MTTQ TP, các Sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất với các nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn. Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa và nguồn MTTQ Việt Nam các cấp.
Với mong muốn đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức chung tay hỗ trợ các nạn nhân và gia đình vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, Thành đoàn Hà Nội đã phát động toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động cơ quan và các cơ sở Đoàn trực thuộc ủng hộ nguồn lực cho các gia đình gặp nạn trong vụ cháy với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.
Tại các bệnh viện, đoàn viên, thanh niên đã phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn người nhà nạn nhân cùng các đơn vị liên quan trong quá trình di chuyển, liên lạc và tìm chỗ ở tạm thời cho người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, Quận đoàn Thanh Xuân cũng chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu trợ, dọn dẹp sau hỏa hoạn; Hỗ trợ tìm kiếm nơi ở mới cho các nạn nhân sau hồi phục.
Riêng báo Tuổi trẻ Thủ đô đã huy động các nguồn lực, trao hỗ trợ số tiền hơn 300 triệu đồng cho các nạn nhân và học sinh bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này.
Nhiều loại hàng hóa hỗ trợ được người dân liên tục chuyển đến các điểm |
Chính sự quan tâm sát sao, sẻ chia đầy trách nhiệm của các cấp, ngành cùng những tấm lòng vàng, tràn ngập tình yêu thương đã tiếp sức cho những nạn nhân và gia đình vượt qua nghịch cảnh. Đồng thời, hành động nhân văn đó đã góp phần lan tỏa và làm giàu thêm truyền thống nhân văn của người Việt nói chung và văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng.
Xây dựng hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh xã hội
Khẳng định quan điểm “an sinh xã hội là quyền cơ bản của con người, đầu tư cho an sinh xã hội cũng chính là đầu tư cho phát triển, phục vụ Nhân dân”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08/CTr-TU Nguyễn Ngọc Tuấn nêu lên những bước chuyển tích cực về an sinh xã hội rất đáng ghi nhận từ việc thực hiện chương trình quan trọng này, bao gồm việc xây dựng hệ thống các chính sách xã hội toàn diện bao trùm với nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa.
Cùng với đó, TP đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động, triển khai có hiệu quả hệ thống sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã, tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm, lựa chọn việc làm phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức “Chuyến xe siêu thị đoàn viên công đoàn” nhằm trợ giá hàng hóa thiết yếu cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn |
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, số người tham gia tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội… Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trước mắt, để chăm lo tốt nhất cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 26 yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai nhiệm vụ năm 2024 từ những ngày đầu năm, chăm lo để mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”; quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của thành phố; chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc thực hiện tốt Chương trình số 08/CTr-TU, TP luôn ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Sự quan tâm của TP trong công tác chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.