Hà Nội: Bí thư các quận, huyện hiến kế để phát triển công nghiệp văn hóa
Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố...
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện do Thành ủy Hà Nội tổ chức nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại...
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và để có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn, Thành ủy Hà Nội chủ trương tổ chức các buổi tọa đàm tham vấn các ý kiến.
Trong tháng 6, Thành ủy đã tổ chức thành công 2 cuộc tọa đàm với nội dung “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” và nhận được nhiều ý kiến tham vấn, đóng góp tích cực từ các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa cũng như những sáng kiến góp ý, hiến kế các ý tưởng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo địa bàn Thủ đô.
Đây là buổi tọa đàm thứ 3 với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ trực tiếp, những sáng kiến tham vấn tâm huyết và trách nhiệm để xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể TP; Các quận, huyện, thị ủy; Ban quản lý một số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội - là những đơn vị sẽ trực tiếp triển khai cụ thể hóa khi Nghị quyết được ban hành.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai mong muốn các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ tham gia đóng góp, đề xuất các ý kiến vào Dự thảo Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng thời, nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị mình trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; Lựa chọn lĩnh vực ngành công nghiệp văn hóa mà ngành, địa phương, đơn vị thấy có khả thi triển khai, thực hiện được; Đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi và những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa của ngành, địa phương, đơn vị góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Hiến kế những ý tưởng, sáng kiến tham vấn, gợi mở; đề xuất các giải pháp, kiến nghị với thành phố về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển tại các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
(Tiếp tục cập nhật...)