Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa từ vốn di sản
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã tới dự và chúc mừng ngành Văn hóa Thủ đô.
Để đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19, chương trình được diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng tặng hoa chúc mừng Ngành Văn hóa nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam |
Phát biểu diễn văn tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, trải qua hơn một ngàn năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội trở thành mảnh đất "địa linh nhân kiệt", là "trái tim của cả nước" - nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Mọi ngành, mọi nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô đều bị ảnh hưởng nặng nề. Song ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo sự an toàn tại các cơ quan, công sở của ngành, các điểm di tích, di sản, đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.
Ngành cũng đã tham mưu để Thành ủy, UBND TP sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa. Để đạt được những kết quả đó, có phần không nhỏ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và rất nhiều các tổ chức, cá nhân yêu di sản...
Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến "an toàn - thân thiện", ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hoá ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Khẳng định sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội tuy đạt được những thành tích đáng khích lệ nhưng cũng còn những tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TP Hà Nội và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia… để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp…
Các khách mời trao đổi tại buổi tọa đàm |
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra tọa đàm với nhiều ý kiến có giá trị của các nhà khoa học, chuyên gia. Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức, vai trò của văn hoá trong đời sống kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiều quan điểm, kế hoạch hành động để đột phá trong lĩnh văn hoá. Trong đó, chúng ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Mong muốn sử dụng sức mạnh mềm của văn hóa để tạo ra khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Sức mạnh mềm bây giờ không chỉ là tinh thần, câu chuyện về giá trị đạo đức mà còn tạo ra giá trị kinh tế”.
Phó Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn nói hội nhập nhưng không hòa tan. Vậy làm thế nào để không hòa tan. Trước hết, chúng ta phải khẳng định, phải nhận thức chúng ta là ai. Di sản chính là yếu tố để khẳng định điều ấy. Việc quan tâm bảo tồn di sản chính là cái gốc trong xây dựng, phát triển văn hóa".
Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, hiện nay, để văn hoá đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thì chỉ có con đường phát triển công nghiệp văn hoá. Với kho tàng di sản phong phú của mình, Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hoá từ vốn di sản, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Để làm được điều này, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Chú trọng nhân tố con người trong bảo tồn, phát huy giá trị, đưa di sản vào học đường; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản.
Trên nền tảng những quyết sách về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các nhà khoa học kỳ vọng, Hà Nội sẽ khai thác hiệu quả sức mạnh mềm để xây dựng Thủ đô ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của đất nước.