Nêu gương - biện pháp hiệu quả xây dựng con người văn hóa
Để Nghị định 100 thành nếp văn hóa trong mỗi công dân khi tham gia giao thông |
Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; Kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước. 75 năm qua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tặng quà động viên Tổ Covid-19 cộng đồng ứng trực ở điểm phong tỏa ngõ 200 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) |
Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối để xây dựng, phát triển văn hóa con người. Được sống trong bầu không khí thấm đẫm văn hóa Việt Nam, được chăm lo cho đời sống tinh thần phong phú và giàu bản sắc, mỗi người chúng ta cũng đã và đang đặt ra cho mình những mục tiêu để tự nỗ lực, bồi đắp văn hóa cho chính bản thân mình.
Trong khi đó, Hà Nội, với vai trò là trái tim thiêng liêng của cả nước, cũng là trung tâm văn hóa của cả nước thì việc xây dựng nếp sống văn minh, con người thanh lịch vẫn luôn được Thành phố sát sao. Muốn tạo nên hiệu ứng tự tu sửa mình để trở thành con người văn hóa thì phải tạo nên sự đồng bộ, đồng thuận từ trên xuống dưới.
Học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những ngày dịch bệnh vừa qua, vai trò của các tấm gương càng trở nên lớn, có uy tín trong cộng đồng. Các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn quyết liệt, đi sâu đi sát vào tình hình các ổ dịch, nắm bắt tình hình kịp thời để đưa ra những chỉ đạo mang tính chiến lược, chớp thời cơ, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, ổn định lòng dân, mang lại sự bình yên cho thành phố.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, có sự thống nhất, thông suốt trên, dưới như một trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tận nơi, xem xét các vấn đề cụ thể từng địa bàn đã tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo thành sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị với tinh thần bao trùm là: “Chống dịch như chống giặc”, coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1.
Với sự nêu gương của các cấp lãnh đạo thành phố, tại các quận, huyện, phường, xã, việc người đứng đầu hăng hái chống dịch, bám sát tình hình cũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trực tiếp tại địa bàn, các bí thư chi bộ tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, ngày đêm chạy đi chạy lại kiểm tra, đôn đốc, giám sát ở các chốt.
Trong khi đó, các cán bộ phụ nữ dù là tuổi cao vẫn tham gia trực chốt, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, giữ vững các vùng xanh. Không những thế, họ còn vận động người dân trên địa bàn quyên góp cho người kém may mắn, rà soát cẩn thận, không để ai bị thiếu đói bởi dịch bệnh.
Trong các gia đình, ông bà bố mẹ nêu gương bằng cách nâng cao ý thức, thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch để con cháu noi theo, đảm bảo giữ vững mỗi ngôi nhà, mỗi ngõ phố là một pháo đài, dù trong tình hình giãn cách hay chúng ta đã bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) |
Có thể nói, cùng với việc nêu gương này, có cảm giác cả thành phố từ chính quyền đến người dân đều trang bị một tinh thần “ra trận” hết sức hăng hái, cảm tử. Chính bởi vậy, chúng ta đã ngăn chặn được dịch bệnh, không để lây lan rộng, đảm bảo an toàn cho người dân trước khi phủ sóng vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng thần tốc.
Trong khi đó, mặc dù đang phải gồng mình chống dịch, Hà Nội vẫn dang tay chi viện cho các địa phương khác trên cả nước. Những đoàn y bác sĩ lớp lớp vào Nam khí thế hùng hồn như thuở “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, biết bao thanh niên gác lại niềm vui cá nhân để lên đường chống dịch, tìm niềm vui chung trong ngày “ca khúc khải hoàn”. Rồi còn biết bao tình cảm, lời động viên được gửi gắm qua nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế được người Hà Nội gửi đi khắp cả nước, “nối trọn một vòng Việt Nam”.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Kim Mã (quận Ba Đình) trao hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 |
Không chỉ để tạo hiệu quả cho chống dịch, việc nêu gương từ trên xuống dưới này còn tăng tình thân ái, phát huy văn hóa của người Thủ đô. Đất nước ta trải qua bao hoạn nạn, khó khăn, chiến tranh, thiên tai… nhưng mỗi lần đối mặt với thử thách là một lần bài ca kết đoàn lại ngân vang mạnh mẽ, tạo động lực đưa chúng ta vượt qua tất cả. Đồng thời, việc nêu gương này còn thúc đẩy mỗi cá nhân tiếp tục có trách nhiệm với cộng đồng, kêu gọi mỗi người cùng cố gắng sống nhân ái, văn hóa hơn.
Dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, bởi vậy, trong cuộc chiến cam go này, con người văn hóa vẫn là con người có ý thức, con người biết đặt lợi ích cá nhân hài hòa trong lợi ích cộng đồng. Người Hà Nội tiếp tục trở thành tấm gương mẫu mực về thanh lịch, văn minh để cả nước trông vào, làm theo.
Có như thế thì chúng ta mới hoàn thành mục tiêu xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước mà chúng ta yêu mến, tự hào.
Xây dựng nền văn học đô thị để Hà Nội xứng tầm nghìn năm phát triển |
Bảo tàng - nơi lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa |
Hà Nội - những mạch nguồn vô tận cho tác phẩm văn học |