Hà Nội chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường
Hà Nội rợp cờ hoa chào mừng Quốc khánh 2/9 Hà Nội: Hàng trăm vụ xâm hại công trình thủy lợi không bị xử lý Hà Nội: Nhiều địa phương vẫn chây ì không chịu xử lý vi phạm pháp luật về đê điều |
Người dân tham gia tổng vệ sinh, quét dọn đường phố tại phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) |
Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm tập trung dân cư, phương tiện giao thông gia tăng phát sinh khí thải, bụi từ các phương tiện giao thông; hoạt động sản xuất, xây dựng phát triển; các hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ…đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí.
Đặc biệt, thời gian gần đây, do xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan: mây mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp và hiện tượng nghịch nhiệt, dẫn đến Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của thành phố ở mức “xấu” và “rất xấu”, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động du lịch, sản xuất, kinh doanh.
Để khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung có Chỉ thị số 19/CT-UBND, về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội
Theo đó, các đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc một số biện pháp nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách, quyết liệt để giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải độc hại, bụi mịn tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố và đề nghị các cấp, ngành, tổ chức và nhân dân Thủ đô cần có kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực để giảm thiểu phát thải, nâng cao chất lượng không khí; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của con người, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng, phát huy được vai trò trách nhiệm của từng công dân trong công tác bảo vệ môi trường không khí Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa; các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định; Hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Việc trồng và chăm sóc cây xanh góp phần giảm ô nhiễm môi trường cho thành phố Hà Nội |
Vận động người dân hưởng ứng Chương trình trồng cây xanh trên địa bàn thành phố do UBND thành phố Hà Nội phát động, tích cực trồng thêm cây xanh tại khu vực mình sinh sống, tại mỗi hộ gia đình; Tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo, điện giảm phát thải ô nhiễm môi trường không khí; Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.
Theo kết quả phân tích, kiểm tra, rà soát các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí của Sở Tài Nguyên và Môi trường cho thấy, các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường chủ yếu từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ, nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; hoạt động xây dựng phá dỡ công trình cũ; các xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không được che chắn, không rửa xe, hoạt động đổ trộm phế thải nơi công cộng cũng gây ô nhiễm môi trường...Đáng chú ý, các hoạt động đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ; đốt rác thải sinh hoạt gây khói mù và tạo ra khí độc hại… là những nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến môi trường không khí.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ số chất lượng không khí cao do các nguồn ô nhiễm từ những hoạt động của con người từ giao thông, xây dựng, sản xuất, đốt rác, đốt rơm rạ nhưng chưa có biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, những ngày thời tiết không thuận lợi, không phát tán được khí thải lên cao dẫn đến tình trạng ô nhiễm về đêm và sáng sớm.
“Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa kiểm soát tốt nguồn thải. Nhiều công trình xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm. Những công trình này để bụi mù mịt từ các vật liệu xây dựng làm phát tán vào không khí và đường sá”, ông Tùng nhận định.
Để giải quyết môi trường trong thời gian tới, Công an TP Hà Nội đề xuất thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý tất cả vi phạm liên quan như làm đường không bảo đảm quy định gây ô nhiễm môi trường; thi công công trình gây ô nhiễm; kiên quyết xử lý xe rơi vãi vật liệu.
Để phát động toàn dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, ngày 25/12/2019, Quận ủy Long Biên ban hành Kế hoạch chuyên đề số 211-KH/QU của Quận ủy về phát động toàn dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Long Biên năm 2020 và các năm tiếp theo. Là đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ đề "Hành động vì một Long Biên Xanh - Sạch - Đẹp", Đảng ủy phường Phúc Đồng đã chỉ đạo UBND phường thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. UBND phường đã tổ chức ký cam kết và phát tờ rơi tuyên truyền đến các hộ gia đình về việc không sử dụng bếp than tổ ong, ký cam kết không dùng than tổ ong và bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày; không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư, không xả thải ô nhiễm môi trường; Tổ chức các buổi vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |