Hà Nội: Hàng trăm vụ xâm hại công trình thủy lợi không bị xử lý
Hà Nội phát sinh 90 vụ vi phạm công trình thủy lợi TP HCM: Lộ nhiều sai phạm từ sự cố sạt lở kè Tắc Sông Chà |
Vi phạm nhiều…
Sông Nhuệ chạy qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông… là một trong những con sông quan trọng cung cấp nước cũng như tiêu thoát lũ tại Hà Nội. Tuy nhiên, hàng chục năm trở lại đây, lòng sông ngày một thu hẹp dần.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân đua nhau lấn chiếm lòng sông để xây dựng các công trình. “Lòng sông ngày một hẹp dần bởi các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông lấn chiếm dần dần. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm không được các cơ quan chức năng làm quyết liệt”, anh Nguyễn Văn Vinh (trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay.
Không chỉ lấn chiếm, các hộ dân ở đây còn trực tiếp xả thải xuống biến sông Nhuệ thành một dòng sông “chết” nhiều năm nay.
Hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) bị san lấp trái phép |
Theo kết quả mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các lưu vực sông khu vực phía Bắc, có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 (chỉ số chất lượng nước được tính theo thang điểm) ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.
Đoạn sông Nhuệ chảy qua thành phố Hà Nội không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2019, ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm cống Nhật Tựu (WQI: 10-25). Nguyên nhân do tiếp nhận nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề của thành phố Hà Nội. Môi trường nước sông được cải thiện dần khi chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam. Tại đây, nước sông Nhuệ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (WQI: 26-50). Với chỉ số này, nước sông Nhuệ - Đáy không thể dùng với mục đích sinh hoạt, tưới tiêu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (NN&PTNT), chỉ tính riêng trong tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố phát sinh 33 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới giải tỏa ngay được 2 vụ vi phạm mới phát sinh trong tháng, còn tồn tại 31 vụ vi phạm. Ngoài ra, cơ quan chức năng giải tỏa được 1 vụ vi phạm phát sinh trong tháng 5 và 1 vụ phát sinh trong tháng 3/2020, giải tỏa được 69 vụ vi phạm cũ từ năm 2019 trở về trước.
Tình trạng vi phạm, xâm hại các công trình thủy lợi không chỉ diễn ra tại sông Nhuệ mà còn trên các tuyến sống, hồ thủy lợi khác của thành phố Hà Nội.
... ít khi bị xử lý
Còn trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố phát sinh 90 vụ vi phạm công trình thủy lợi; đã giải tỏa 9 vụ vi phạm mới, còn tồn tại 81 vụ trong năm 2020. Tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, tính đến hết tháng 5 năm 2020 tổng số vụ vi phạm còn tồn tại trên địa bàn thành phố là 13.284 vụ, trong đó có 11.471 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và 1.813 vụ xả thải vào công trình thủy lợi.
Mặc dù, UBND thành phố, Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thủy lợi tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý chống lấn chiếm vi phạm công trình thủy lợi; xả nước thải, chất thải vào công trình thủy lợi, nhưng đến nay hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Xây dựng nhà cấp 3, cấp 4; Xây dựng nhà xưởng; Dựng lều, lán, công trình phụ, công trình khác; Làm lò gạch; trồng cây; Đào đất, đổ đất, phế thải, vật liệu; Xả nước thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi...
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vi phạm công trình thủy lợi là do: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên tại các địa phương. Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi của các hộ dân ở một số địa phương còn hạn chế; Sự phối hợp giữa các tổ chức khai thác công trình thủy lợi với chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa chặt chẽ; Chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm dẫn đến vụ việc vi phạm, tái vi phạm vẫn tồn đọng và phát sinh thêm trên địa bàn.
Mặt khác, hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố có số lượng công trình lớn, phân bố trên địa bàn rộng, do tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu về đất ở cũng như mặt bằng để sản xuất kinh doanh lớn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng xâm lấn, xây dựng các công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cũng chưa được thực hiện kịp thời. Hiện tại, ngoài trục chính sông Nhuệ được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ năm 2015, từ năm 2016 đến 2018 có 105 tuyến kênh với tổng chiều dài khoảng 800km được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ. Các công trình còn lại trên địa bàn thành phố gồm các hồ chứa thủy lợi, các tuyến kênh tưới tiêu, các trạm bơm, cống và một số công trình dẫn chuyển nước chưa thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ theo quy định.
Việc kiểm tra, phát hiện, lập biên bản giao chính quyền địa phương xử lý được các tổ chức khai thác công trình thủy lợi thực hiện thường xuyên, tuy nhiên chính quyền các địa phương chưa xử lý kịp thời, thiếu kiên quyết trong việc xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thực hiện xử lý giải tỏa trả lại mặt bằng hiện trạng công trình thủy lợi theo quy định.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, đã bước vào mùa mưa bão năm 2020, để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; Phục vụ sản xuất và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện giải tỏa vi phạm, đặc biệt là các vụ vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi và khả năng tiêu thoát nước của các tuyến kênh, các trục tiêu chính, vi phạm xảy ra tại các công trình đầu mối; Xử lý giải tỏa các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước...
Đối với các quận, huyện, thị xã có phát sinh vi phạm trong năm 2019 vừa qua, đặc biệt các vụ vi phạm lớn trong năm tại các hồ chứa và vi phạm công trình khác đến nay vẫn chưa được xử lý, phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.