Hà Nội có nhiều dư địa để phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa trong quá trình phát triển
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và đoàn Chủ tịch điều hành thảo luận |
Nhìn nhận rõ “văn hiến”, bản sắc, tài nguyên nổi bật
Bàn về khái niệm văn hiến và văn hiến Thăng Long, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng: Với tính chất trung tâm và hội tụ của mình, không nên nhìn nhận văn hiến Thăng Long- Hà Nội, con người Hà Nội bằng con mắt tĩnh mà cần phải tìm hiểu nó như một khái niệm động.
Theo ông, văn hiến Thăng Long - Hà Nội là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền, là tinh hoa góp lại mà có. Nhà Lý quê ở Kinh Bắc, đã đưa văn hóa Phật giáo về góp mặt với Thăng Long. Nhà Trần quê ở Tức Mặc đã góp thiên tài về tổ chức quân sự ở đất Thiên Trường cho Thăng Long… Tất cả đã bổ sung, góp phần làm nên thành tựu đa dạng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong văn hóa Việt Nam.
" Tổ tiên ta từ xa xưa đã dồn toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và tài năng để tồn tại trên mảnh đất này, để mưu cầu sự phồn vinh, hạnh phúc và truyền lại cho muôn đời con cháu những di sản quý báu về văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long.
Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu những di sản quý báu đó, trước hết là tìm thấy nền tảng cơ bản của những di sản ấy, phân tích những yếu tố cấu thành, những nguyên nhân lịch sử đã tạo nên văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long", GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh trao đổi tại hội thảo |
Luận giải thêm ý kiến của GS.TS Đặng Cảnh Khanh, PGS.TS Hồ Sĩ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội nêu quan điểm: Nói đến bản sắc Hà Nội, cần thiết phải nói đến sự pha trộn hài hòa, sự đan xen khó tách biệt, sự thẩm thấu tưởng như khiên cưỡng nhưng qua thời gian lại trở thành phù hợp... giữa những nét "kinh điển, hoa lệ" của châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hoá Hà Nội.
Khẳng định văn hóa - văn minh Pháp, một thành phần đáng kể của bản sắc Hà Nội, PGS.TS Hồ Sĩ Quý cũng cho rằng, trong một chừng mực nhất định, nó còn là hồn cốt của một đô thị có lịch sử hơn nửa thế kỷ được xây dựng và trực tiếp "sống" với văn hoá - văn minh Pháp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng làm rõ vị thế địa lý, tài nguyên của Thủ đô; Trong đó, tài nguyên vị thế là một tài nguyên đặc biệt nổi bật. Nguồn tài nguyên này làm cho các tài nguyên khác của Hà Nội, cả về tự nhiên, kinh tế-xã hội đều có thể thêm giá trị gia tăng.
Theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Kết nối vùng trong phát huy nguồn lực văn hóa góp phần phát triển thương hiệu Thủ đô Hà Nội.
Lịch sử đã trao cho Hà Nội một vị thế có một không hai; Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", "Thủ đô di sản" và ngày nay là "Thành phố sáng tạo", Thủ đô Hà Nội là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới. Hà Nội sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các TP khác của Việt Nam tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới.
Đồng thời, với truyền thống, giá trị văn hóa lâu đời, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, cùng với thế và lực ngày càng tăng trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều "dư địa" để phát huy sức mạnh mềm này.
Quang cảnh hội thảo |
Sứ mệnh cao cả về xây dựng mô hình, kiểu mẫu văn hóa
Định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu quan điểm: Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải luôn luôn vươn lên với tầm cao của văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân đang sinh sống, làm việc hoặc tới Thủ đô công tác, tham quan du lịch chấp hành những quy chế về nếp sống văn hoá của Thủ đô. Xây dựng đời sống văn hoá từ trong gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp và mọi giai tầng xã hội; Đưa cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" phát triển thiết thực, đi vào chiều sâu…
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại hội thảo |
Để đạt mục tiêu đã đề ra, theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, trước hết Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và trách nhiệm phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng: Với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Hà Nội cần đi đầu trong không chỉ xây dựng nét đẹp văn hóa trong đời sống mà cần chú trọng cả trong văn hóa kinh doanh, trong đó, trọng tâm là chữ "tín".
Thời gian tới, Hà Nội cần phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ tín làm trọng gắn với chủ trương "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”...
"Để gây dựng phong trào này, thời kỳ đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì là một nét đẹp văn hóa nên không ai phản đối và ai cũng nhận thấy lợi ích từ việc tất cả mọi người cùng làm như vậy. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ mạnh từ quy định mang tính pháp luật và thực thi pháp luật, để cho những hành vi lừa đảo trong kinh doanh không thể tồn tại ở địa bàn Thủ đô", PGS.TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp ý kiến tại hội thảo |
PGS.TS Bùi Tất Thắng cũng kiến nghị, nên lập một Quỹ về xây dựng Văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng danh giá về kinh doanh văn minh. Hằng năm, cũng nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều xuất, ý kiến liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa…
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hà Nội cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng; Nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng cần bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại"...