Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể trường học
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học tại huyện Thanh Trì.
Bài liên quan
Hà Nội: hơn 2400 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị xử phạt
Khó quản lý thực phẩm chức năng bán trên mạng xã hội
Hà Nội: Hàng loạt cơ sở bị xử phạt vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Bộ Y tế thí điểm 6 thủ tục mới trên Cơ chế một cửa quốc gia
Theo thống kê của Chi cục an toàn thực phẩm, toàn thành phố có 4534 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Số trường học tự nấu ăn là 4024; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 và 95 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và sữa học đường Phối hợp liên ngành trong thanh kiểm tra; hướng dẫn quy trình giám sát, xử lý ngộ độc thực phẩm tại các trường học.
Các phòng giáo dục và đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, sữa học đường; Chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong các cơ sở giáo dục và công khai các đơn vị đã được lựa chọn.
Công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và triển khai các hoạt động chuyên môn dưới nhiều hình thức, nội dung phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh.
Ban giám hiệu các trường có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Các trường thành lập ban giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình nhập thực phẩm vào nhà trường, sơ chế, chế biến thực phẩm hàng ngày, kiểm tra quá trình nhập sữa, tổ chức uống sữa, thu gom vỏ hộp, kiểm thực ba bước, lưu mẫu hàng ngày.
Các bếp ăn thực hiện tương đối đầy đủ, đúng quy định về kiểm thực 3 bước lưu nghiệm thức ăn 24 giờ; thực phẩm có hóa đơn, nhãn mác, niêm phong bao bì khi vận chuyển. Đa số các đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm đều đáp ứng tốt các yêu cầu về VSATTP…
Nhân viên bếp ăn, lực lượng tham gia hoạt động bán trú, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đều được tập huấn và có xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, có giấy khám sức khỏe định kỳ.
Mặc dù ngành giáo dục, các nhà trường có nhiều nỗ lực để đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, tuy vậy vẫn còn một số trường điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn theo nguyên tắc một chiều.
Một số trường không có đủ diện tích để nấu tại trường vì vậy phải nấu ở nơi khác rồi vận chuyển đến trường nên khó kiểm soát được trong quá trình vận chuyển. Nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm hoặc cô nuôi vẫn còn đeo đồ trang sức, để móng tay dài trong chế biến thực phẩm. Nhà cung cấp chưa thực hiện đúng các cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm…
Đây là những nguy cơ dễ dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học. Thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm cho thấy, từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố có 3 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn trường học với 235 người mắc, không có tử vong.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường thực hiện nghiệm việc ký hợp đồng thực phẩm tại những đơn vị đủ cơ sở pháp lý; kiên quyết không hợp tác với đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không an toàn.
Ngành y tế cũng sẽ phối hợp với ngành giáo dục, các đơn vị truyền thông đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về VSATTP.
Đồng thời, ngành y tế cùng với ngành giáo dục đẩy mạnh hoạt động quản lý, chỉ đạo về VSATTP tại trường học có bếp ăn bán trú; Tăng cường kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể; hướng dẫn các đơn vị khắc phục tồn tại để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn trường học.