Hà Nội đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân
Hà Nội đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
Bài liên quan
Hà Nội: Triển khai biện pháp phòng chống Covid-19 trong các cơ sở y tế
Dự kiến 500 người sẽ được test nhanh Covid-19 trong ngày 31/3
Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa các yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai
Hà Nội: Các địa phương "căng mình" phòng chống dịch Covid - 19
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống
Hiện nay, tình hình thực tế dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước và ở thành phố Hà Nội. Số trường hợp ghi nhận nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, với số lượng người cách ly lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn người (do số lượng người bị lây nhiễm tăng mạnh và các du học sinh, người Việt sinh sống ở nước ngoài về nước), tình trạng lây nhiễm chéo trong cộng đồng đã xuất hiện nguy cơ lây lan.
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, ngoài việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các khu cách ly tập trung, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh, xây dựng phương án 3 đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo tính toán của Sở Công thương Hà Nội, hiện mỗi tháng, tổng giá trị hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, trong tháng có dịch, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp gần 3 lần, với tổng giá trị khoảng 64.000 tỷ đồng.
Cụ thể, lượng gạo dữ trữ trong tháng có dịch là 278.910 tấn; thịt lợn 55.782 tấn; thịt trâu, bò 16.050 tấn; thịt gia cầm 18.594 tấn; rau củ 309.900 tấn; thủy hải sản 15.495 tấn...
Hà Nội đã dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp gần 3 lần, với tổng giá trị khoảng 64.000 tỷ đồng |
Hiện tại, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60 - 90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300 - 500% so với bình thường. Hệ thống Co.op Mart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố luôn hoạt động, cung cấp đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân và đảm bảo không tăng giá. Do vậy, người dân không cần phải đi mua hàng tích trữ. Bên cạnh đó, việc đổ xô đến siêu thị khiến có thể dẫn đến không bảo đảm về khoảng cách tiếp xúc, nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh Covid-19.
Người dân cần bình tĩnh, không xuất hiện nơi đông người
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, Chỉ thị nói rõ: Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...”.
Như vậy, người dân hoàn toàn yên tâm vì vẫn có thể đi mua đồ ăn, thực phẩm, thuốc men và các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu, hàng thực phẩm vẫn mở cửa phục vụ nhân dân. Do đó, người dân không cần thiết phải đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hà Nội khuyến cáo người dân cần bình tĩnh không hoang mang, không nên xuất hiện tại những nơi đông người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan |
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân. Cụ thể, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn. Cấp độ 2, dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Cấp độ 3, trên địa bàn có từ 20 đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Cấp độ 4, trên địa bàn có hơn 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận, huyện, thị xã đều có khu cách ly. Cấp độ 5, trên địa bàn có từ 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao, khi đó người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến.
Ở cấp độ 1, 2, 3, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Ngoài ra, Bộ Công thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đưa về Hà Nội.
Đối với cấp độ 4 và 5, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn Thủ đô; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã; cần thiết lập thêm các kho dã chiến.
Bên cạnh đó, Sở Công thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất.
Bộ Công thương điều tiết hàng hóa của các tỉnh hỗ trợ Hà Nội. Đồng thời, báo cáo thành phố cho bổ sung các xe chở hàng từ Công an, Quân đội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới hệ thống phân phối; Đồng thời xin điều động lực lượng hỗ trợ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và các khu vực cách ly.
Trong hai tuần tới là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” để Hà Nội và cả nước triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Do vậy, người dân cần bình tĩnh không hoang mang, không nên xuất hiện tại những nơi đông người, không cần cần đi mua hoặc tích trữ lương thực thực phẩm.
Đặc biệt, người dân cần luôn tin tưởng và làm theo các ý kiến chỉ đạo của các cấp, ngành để công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành công.