Hà Nội: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội
Cơ bản không còn hộ nghèo
Trải qua những ngày đông lạnh giá, căn nhà đại đoàn kết của bà Dư Thị Phúc, ở xóm Nam Hòa 2, thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vẫn thật ấm áp. Ngày ngày ra vào trong căn nhà mới, bà Phúc vẫn chưa hết vui mừng, bởi mới vài tháng trước đây, cũng chính tại nơi này là căn nhà cấp bốn dột nát, tường bong tróc, mấy cây gỗ làm trụ mái hiên cũng bị mối xông.
Bà Phúc thuộc diện hộ nghèo của xã Hòa Phú, tuổi đã xế chiều, sống một mình, lại thường xuyên đau ốm, cho nên dù có muốn cải tạo, sửa chữa nhà, nhiều năm qua bà cũng đành bất lực. Năm 2020, từ 30 triệu đồng hỗ trợ của Ủy ban MTTQ thành phố, 10 triệu đồng của huyện và xã, anh em họ hàng, làng, xóm, mỗi người giúp một chút, cộng với chút tiền dành dụm được, bà Phúc đã có được ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng cùng nhiều đồ gia dụng mới. Quan trọng hơn, bà Phúc đã không còn phải sống trong nỗi lo nơm nớp những ngày mưa bão hay mùa đông lạnh lẽo.
Những căn nhà kiên cố, khang trang là sự đổi đời với bà Phúc và với mỗi gia đình hộ nghèo của thành phố Hà Nội. Đó cũng là kết quả của phong trào “Cả nước chung tay giúp đỡ người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Là góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của thành phố.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chúc mừng bà Dư Thị Phúc |
Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với các giải pháp cụ thể, tạo nên điểm tựa, giúp người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo.
Trong đó, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù, nổi bật là áp dụng chuẩn nghèo của thành phố cao hơn 1,6 lần chuẩn nghèo Trung ương; Áp dụng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,3 lần mức chuẩn Trung ương, với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, TP thực hiện chính sách trợ cấp hằng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ; Người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động; Thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn, với mức trợ cấp 350 nghìn đồng/người/tháng; Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội…
Hằng năm, thành phố trích ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng thu nhập; Hộ nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở; Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để trang trải chi phí học tập…
Để nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng, hằng năm, các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, sau đó phân tích, tổng hợp nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ, từng nhóm đối tượng, làm căn cứ đề xuất giải pháp trợ giúp. Theo đó, những người còn khả năng lao động là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề
Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn vay gần 2.400 tỷ đồng. Những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. 5 năm gần đây, TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hơn 5.600 hộ nghèo, cận nghèo…
Chi, trả tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. |
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 3,64% đầu năm 2016 xuống còn 0,21% năm 2020; Hoàn thành trước hai năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố không còn hộ nghèo diện chính sách người có công; Từ năm 2017 không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, thành phố có 14/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Trong đó, quận Cầu Giấy và quận Hai Bà Trưng hiện không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho biết, từ năm 2017, quận Cầu Giấy đã không còn hộ nghèo và tháng 5/2020 hết hộ cận nghèo. Để có kết quả này, quận đã thực hiện các giải pháp như hỗ trợ giải quyết việc làm bằng nguồn vốn của Nhà nước, thành phố và quận bổ sung 40 tỷ đồng từ ngân sách giải quyết cho trên 1.300 lao động có việc làm. Cùng với việc tặng sổ tiết kiệm, quận đã trao trang thiết bị cho các hộ gia đình có nhu cầu (xe máy, máy ép mía, quạt, chăn ga gối đệm, bảo hiểm y tế...). Các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn còn được các doanh nghiệp tặng mỗi tháng 10 cân gạo trong cả năm 2020.
Hướng tới mục tiêu không có hộ tái nghèo
Góp phần lớn vào việc giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo bền vững đó là giải pháp tạo việc làm cho người lao động. Trong năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cùng các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố đã tiếp nhận trên 400 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào nuôi dưỡng. Trên 192.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hướng dẫn thực hiện trợ cấp hằng tháng đúng, đủ, kịp thời.
Các trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trên 2.700 đối tượng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% người khuyết tật, người cao tuổi có nhu cầu và khả năng tự tham gia giao thông được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí...
Để nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 đề ra mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn dưới 3%...
Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương nhấn mạnh, nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô sẽ được thực thi theo hướng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp nhu cầu của từng nhóm đối tượng, đặc thù của từng địa phương.
Qua đó, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh, các dịch vụ trợ giúp xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng tiêu chí về chuẩn nghèo mới để tham mưu UBND thành phố xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện.