Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020
Theo đó, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Hằng năm, UBND các cấp đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện; Quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và cụ thể hoá Chương trình giảm nghèo của tỉnh thành chương trình giảm nghèo của địa phương, đơn vị; Gắn Chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn…
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu là cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo…(Ảnh: Quangninh.gov) |
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 16/8/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQCP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về "Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Giao các sở, ngành chức năng cụ thể hóa để triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (thông qua thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miên núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg) đề ra.
Từ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, Quảng Ninh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của mọi lực lượng xã hội vào công tác giảm nghèo. Mỗi địa phương, đơn vị lại chủ động, sáng tạo trong các giải pháp thực hiện, bởi vậy công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất và có chính sách giải quyết tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho 101 hộ, với diện tích 0,577ha. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp bằng đất cho 4 hộ, hỗ trợ bằng tiền cho 97 hộ. Chính sách hỗ trợ đất ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh là đúng đối tượng, đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân, là cơ sở để từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đất ở cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn bởi các địa phương hầu hết chưa có quy hoạch đất ở cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quỹ đất sạch để hỗ trợ cho các đối tượng hầu như không có. Bên cạnh đó, các thủ tục chuyển đổi đất ở lại rườm rà gây tâm lý ngại ngùng cho đồng bào mà các địa phương chưa khắc phục được.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 41 hộ thực hiện chuyển nhượng đất sản xuất cho với số vốn 0,73 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 0,655 tỷ đồng, vốn vay 0,175 tỷ đồng. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 604 hộ thiếu đất với số vốn 6,315 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 3,58 tỷ đồng, vốn vay 2,735 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH Quảng Ninh, Chương trình 135 (dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020) đã đạt được kết quả tích cực. Tỉnh chủ động cân đối, tập trung bố trị nguồn lực với cơ chế cao hơn bình quân chung của cả nước (khoảng hơn 7 lần) để thực hiện Chương trình. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh tăng cường phân cấp, trao quyền, phát huy tối đa vai trò chủ động của các địa phương, cơ sở trong thực hiện. Các sở, ngành, địa phương liên quan đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135, Đề án 196 với giải pháp, lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.
Với vai trò là cơ quan thường trực Chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu triển khai thực hiện Chương trình, nhất là việc tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, ban hành và thực hiện Đề án 196, với cơ chế, nguồn lực, lộ trình, giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa tất cả các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135.
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng và thành tựu đã đạt được, theo đánh giá của các ngành chức năng thì kết quả giảm nghèo những năm qua vẫn chưa thực sự bền vững. Việc lồng ghép các các nguồn lực tuy đạt khá, nhưng vẫn còn phân tán; Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên còn khá phổ biến; Hiệu quả việc tổ chức tự quản lý, khai thác sử dụng các công trình sau đầu tư của cộng đồng còn yếu.
Để huy động và phát huy được tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh nhằm phát triển rộng rãi các nguồn lực; Tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, trong đó quan tâm coi trọng huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và kênh vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.