Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực
Tại chương trình, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố nhấn mạnh, 8 tháng của năm 2022, bức tranh kinh tế của Hà Nội phục hồi và phát triển rõ nét, tiêu biểu như: Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 992,3 triệu USD.
Kết quả đó có được nhờ thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, thành phố luôn xác định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực là một trong các lực lượng tiên phong, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Bởi vậy, chương trình Cafe doanh nhân số 3/2022: “Thành phố Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực” là nhằm gặp gỡ, đối thoại giữa Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Chương trinh chương trình cafe doanh nhân số 3 có chủ đề “Thành phố Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực” |
Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp tham dự đã có cuộc trao đổi cởi mở nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế Thủ đô, nhất là phát huy những thế mạnh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, cũng gợi mở những ý tưởng để phát triển tiềm năng các làng nghề. Theo bà Vinh, hiện nay, các làng nghề truyền thống của Hà Nội có nhiều nhưng chưa phát huy hết thế mạnh, để thúc đẩy điều này, thành phố nên thành lập những tổ chức tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực như văn hóa, xây dựng… đồng thời, chọn một vài làng nghề để phân tích, đánh giá những mặt được và chưa được, đề ra giải pháp để lan tỏa giá trị các sản phẩm truyền thống làng nghề.
Cũng tại chương trình, Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội cũng đã giải đáp những thắc mắc của một số doanh nghiệp liên quan đến zoom tín dụng, tỷ giá và lãi suất hiện nay; Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để đầu tư cho dây chuyền sản xuất.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp có chung kiến nghị thành phố Hà Nội có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn; Các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.
Toàn cảnh chương trình |
Trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp về vệc tiếp cận vốn vay, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội Kiều Xuân Nghị cho biết: Quỹ sẵn sàng hướng dẫn cho các doanh nghiệp vay vốn theo đúng đối tượng và đúng quy định nếu các doanh nghiệp có nhu cầu về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Vừa qua, Quỹ đã tổ chức 2 hội thảo xúc tiến đầu tư cho vay, phối hợp với Sở Công thương Hà Nội tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản phẩm chủ lực về vốn và đã có những ký kết hợp tác với các đơn vị này. Đặc biệt, phối hợp với HAMI nắm bắt với các đơn vị có nhu cầu cần vốn để Quỹ đầu tư xem xét cho vay theo quy định của pháp luật.
Về góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, các ngân hàng cũng luôn nắm thông tin để cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp, để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp phải minh bạch về tài chính, minh bạch về quản trị kinh doanh.
“Ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng bởi đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên. Quan điểm chung của các ngân hàng là cố gắng giữ mức lãi suất hiện tại và tìm cách tiết giảm chi phí”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.
Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Lê Tự Lực phát biểu tại chương trình |
Đồng thời, ông Nguyễn Minh Tuấn kêu gọi các ngân hàng dành những ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp và mong muốn các hội, hiệp hội tổng hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, để xây dựng phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đại, Phó Giám đốc Trung tâm HPA Lê Tự Lực cho biết, thời gian tới HPA tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; Tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.
Tuy nhiên, HPA đề nghị các doanh nghiệp có hành động phối hợp cùng thành phố Hà Nội trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi qua đó đồng hành cùng thành phố Hà Nội phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.