Hà Nội ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết
Ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm
Như vậy, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần giảm gần 200 ca so với tuần trước đó. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Thanh Oai (247 ca), Hà Đông (222 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Trì (168 ca), Hoàng Mai (146 ca), Thanh Xuân (144 ca), Chương Mỹ (142 ca).
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 25.893 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 577/579 xã, phường, thị trấn.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh |
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã (giảm 13 ổ dịch so với tuần trước đó). Trong đó có một số địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch. Trong đó, quận Nam Từ Liêm và Đống Đa có 15 ổ dịch, Thanh Oai có 11 ổ dịch…
Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.520, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong đó một số ổ dịch ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 568 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 402 bệnh nhân…
CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới trong tuần qua ghi nhận giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, tình hình dịch có thể gia tăng trong các tuần tới.
Thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.
Nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh đái tháo đường
Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến tiểu cầu giảm sâu gây xuất huyết nặng (như xuất huyết nội tạng, xuất huyết não), thoát huyết tương, cô đặc máu gây nên tình trạng sốc đe dọa tính mạng của người bệnh, nhất là với những người có bệnh lý nền.
Chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều người chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt, chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong.
Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Người dân không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.
Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng được chăm sóc, điều trị tích cực. |
Thời gian qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng kèm bệnh nền đái tháo đường, tiểu cầu giảm sâu, nguy cơ xuất huyết cao. Điển hình, bệnh nhân nữ L.T.N (66 tuổi có địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, sốt nóng đột ngột kèm đau mỏi người, đau cơ xương khớp. Bệnh nhân có hiện thượng chảy máu chân răng, tiểu cầu thấp 6 G/L (bình thường từ 150 - 400 G/L), bệnh nhân được chẩn đoán xác định sốt xuất huyết Dengue.
Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân điều trị đái tháo đường type 2, cao huyết áp, rối loạn lipid máu trên 10 năm.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Quảng, phụ trách khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bác sĩ điều trị bệnh nhân, tiểu cầu của bệnh nhân giảm rất sâu trong quá trình điều trị.
Do vậy, kíp điều trị phải theo dõi sát sao đồng thời cân nhắc kỹ chỉ định việc truyền tiểu cầu vì những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình truyền như gây dị ứng, sốc, lây nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm thông qua truyền máu.
Mặc khác, bệnh nhân còn mắc đái tháo đường tuýp 2, huyết áp cao nên việc bù dịch gặp khó khăn. Sức đề kháng của người bệnh kém nên sẽ chậm hồi phục, việc điều chỉnh đường huyết sẽ càng gặp khó khăn hơn do tình trạng nhiễm trùng làm tăng đường máu.
Bác sĩ Quảng cũng cho biết thêm, số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao, hệ miễn dịch suy giảm dễ dẫn tới bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi…
Với sự tích cực trong quá trình theo dõi, điều trị cùng sự phối hợp tốt của người bệnh, hiện tại, bệnh nhân L.T.N, đã hết sốt, hết chảy máu chân răng, ăn uống ngon miệng, người khỏe, đường máu, huyết áp ổn đinh. Tiểu cầu trên 100 G/L và có thể xuất viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, vì vậy những người bệnh đái tháo đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc Dengue, nếu không may mắc bệnh.
“Đối với những người bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà", bác sĩ Quảng cũng khuyến cáo thêm.