Hà Nội hướng dẫn người dân tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học
Hà Nội lên phương án tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học trong thời gian tới
Bài liên quan
Hà Nội: Đảm bảo công tác y tế phục vụ Tết Dương lịch năm 2020
Chủ động nguồn hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán
Thị trường hàng khô phục vụ Tết Nguyên đán: Dồi dào nguồn cung, giá cả ổn định
Cuối năm, lại lo chuyện... thực phẩm Tết
Đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi sinh học
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng tốp đầu cả nước với 153.217 con trâu bò; 1,8 triệu con lợn; 31,7 triệu con gia cầm...
Trong năm 2019 vừa qua, Hà Nội là một trong những địa phương bị chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố, dịch bệnh đã xảy ra tại 32.991 hộ (chiếm 40,9%)/2.389 thôn, tổ dân phố/449 xã, phường thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 543.793 con lợn. 12 quận, huyện, thị xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, Chi cục đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học. Đến nay, toàn thành phố đã tái đàn được 576.349 con lợn, trong đó số lợn tái đàn tại các hộ chăn nuôi trong dân là 108.332 con và tại các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã là 468.017 con.
Kết quả cho thấy, lượng lớn lợn đã được tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý.
Đặc biệt, Chi cục đã chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi trên địa bàn; thông tin báo cáo, điều tra, xác minh và xử lý kịp thời khi xuất hiện ổ dịch. Chi cục đã hướng dẫn đôn đốc các đơn vị trực thuộc lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng với hơn 4,7 nghìn mẫu.
Mặc dù đạt nhiều kết quả và nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh và bảo đảm chăn nuôi nhưng do đặc điểm của bệnh Dịch tả lợn châu Phi khó kiểm soát do chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Mặt khác, một số đơn vị tập trung chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đã ảnh hưởng tới tiến độ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, công tác lấy mẫu sau tiêm phòng...
Nói về nhiệm vụ của ngành Chăn nuôi và Thú y trong năm 2020, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng yêu cầu: Trong năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cần nâng cao chất lượng hệ thống, cơ sở vật chất mạng lưới thú y cơ sở; mở rộng đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên môn.
Đặc biệt, trong năm 2020, cần lên kế hoạch tập trung cho việc phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, do không có vắc xin nên Hà Nội cần triển khai, hướng dẫn, đầu tư cho chăn nuôi sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Hà Nội bảo đảm cung cấp đủ thực phẩm phục vụ Tết
Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội cho thấy, dịch tả lợn châu Phi lan rộng nên nguồn cung ứng cho thị trường Hà Nội giảm mạnh. Cụ thể, từ tháng 10 - 12/2019, trung bình mỗi tháng, Hà Nội thiếu từ 3.300 - 4.300 tấn thịt lợn. Riêng trong tháng Tết (tháng 1/2020), nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô khoảng 23.520 tấn, trong đó nguồn của thành phố khoảng 14.600 tấn, nhập từ các tỉnh khoảng 8.920 tấn.
Theo báo cáo của các tỉnh, trong tháng 1/2020 có thể cung cấp cho Hà Nội khoảng 43.000 tấn thịt lợn (tăng 80% so với nhu cầu nhập từ các tỉnh), bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng Tết.
Ngoài đảm bảo cung cấp đủ thịt lợn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội còn triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đạt 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Trong đó gạo hơn 191 nghìn tấn, thịt gia cầm gần 15 nghìn tấn, thịt bò hơn 12 nghìn tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ hơn 247 nghìn tấn, thực phẩm chế biến gần 13 nghìn tấn, thủy hải sản hơn 11 nghìn tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn…
Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng mạnh trong dịp tết Nguyên đán, UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công thương các tỉnh thường xuyên cung cấp về tình hình giá cả, nguồn cung mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm, nông sản khác có thể cung ứng cho thị trường Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối giữa cơ sở sản xuất chăn nuôi với doanh nghiệp giết mổ và bán lẻ để cung ứng hàng hóa cho nhu cầu người dân Thủ đô.