Hà Nội hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS
Phát biểu tại lễ mít tinh, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cơ quan thường trực về phòng chống HIV/AIDS của Ban Chỉ đạo 138 thành phố Hà Nội cho biết, từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1991, đến nay Hà Nội đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS.
Trong 30 năm qua, Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được các thành tựu. Chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai lần đầu năm 2009 với một cơ sở điều trị tại Nam Từ Liêm, đến năm 2020 đã có 18 cơ sở trên toàn thành phố, điều trị cho 4.992 bệnh nhân.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại buổi lễ |
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được triển khai từ năm 2018, đến nay đã có 2.026 người đang điều trị; Xét nghiệm HIV ngày càng được cải tiến về kỹ thuật và mở rộng quy mô, hiện có 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, 11 cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV.
Từ hình thức xét nghiệm tự nguyện truyền thống (khách hàng tự đến phòng tư vấn xét nghiệm) đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm.
Chương trình điều trị ARV được triển khai từ năm 2004 tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đến nay đã có 23 cơ sở điều trị ARV, gồm: 4 phòng khám ngoại trú thuộc các bệnh viện thuộc Trung ương, 19 cơ sở điều trị do Sở Y tế quản lý, điều trị cho 14.583 bệnh nhân.
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020 có chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam” là dịp tăng cường các hoạt động truyền thông phong phú, đa dạng khác, với mong muốn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị các Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu để chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030 phù hợp với tình hình của địa phương với các giải pháp, hoạt động cụ thể để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
Các địa phương đổi mới tư duy truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, quảng bá về các hoạt động tiếp cận người có hành vi nguy cơ cao, lợi ích của xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV, lợi ích của điều trị ARV sớm, điều trị Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep); Đảm bảo 100% người nhiễm HIV sinh sống trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế và tham gia điều trị ARV bằng thẻ bảo hiểm y tế; Nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng...