Hà Nội lên phương án khắc phục tình trạng ngập úng tại hầm chui Đại lộ Thăng Long
Dọc Đại lộ Thăng Long có gần 20 hầm, cầu chui dân sinh và hầm cho ô tô ngang đường. Điểm chung nhất ở các hầm chui này là nền đường thấp, mặt đường bong tróc, xuống cấp, nhiều “ổ gà”, “sống trâu” giữa đường và đặc biệt là thường xuyên bị ngập sâu mỗi khi trời mưa to.
Tại địa bàn xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có 4 hầm chui dân sinh thì cả 4 đều ngập sâu và đọng nước dài ngày mỗi khi mưa to. Đáng nói nhất là hầm chui dân sinh số 3 (Km8 + 488), gần lối rẽ vào Công viên Thiên đường Bảo Sơn, đường Lê Trọng Tấn kéo dài. Tại đây mặt đường xuống cấp, bị bong tróc, khi mưa to thường xuyên ngập sâu khoảng 50cm khiến nhiều phương tiện như xe máy, ô tô qua đây bị chết máy.
Gần đó, hầm chui dân sinh Km9 + 656 hay hầm số 5 cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù trời không mưa nhưng tại hai hầm chui này vẫn ngập nước, có đoạn sâu 20-25cm. Bên cạnh đó, tình trạng phế thải đổ bừa bãi hai bên đường gom đã bịt kín đường thoát nước.
Hà Nội lên phương án khắc phục tình trạng ngập úng tại hầm chui Đại lộ Thăng Long |
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Chung cư Gemek Tower) cho biết: Khu vực hầm chui dân sinh vượt qua cao tốc Láng - Hòa Lạc này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập khi có mưa. Việc này xảy ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục khiến việc đi lại tại đây mỗi khi có mưa gió rất vất vả.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khu vực đường gom, hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long thường xuyên ngập sâu do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng kể nhất là thiết kế đường gom, hệ thông thoát nước không đảm bảo yêu cầu, nền các dự án khu đô thị cao hơn nên nước tập trung đổ về đường gom.
Để khắc phục tình trạng úng ngập trên Đại lộ Thăng Long, các ngành chức năng, địa phương của thành phố đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã duy trì lực lượng, phương tiện để duy tu, nạo vét thường xuyên các tuyến cống, tuyến mương Trung Thượng, Đồng Tép, kênh T242; Bố trí hoành triệt và triển khai bơm di động tại các hầm chui dân sinh để giảm thiểu thời gian úng ngập.
Cùng với đó, đơn vị cũng bố trí lực lượng ứng trực, có mặt kịp thời khi xảy ra úng ngập để khơi thông dòng chảy, hướng dẫn giao thông. Công ty cũng phối hợp với Tập đoàn Geleximco trong việc vận hành Trạm bơm Geleximco và các cửa phai trên mương Trung Thượng, mương Đồng Tép.
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng tại các hầm chui dân sinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay: Về lâu dài, các đơn vị chức năng cần đầu tư xây dựng các tuyến cống thoát nước hai bên Đại lộ Thăng Long, Trạm bơm tiêu Đào Nguyên công suất 25m3/s theo quy hoạch.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho hay, thực hiện phương án phòng, chống lụt bão, ngập úng năm 2021 của huyện nói chung, các tuyến đường giao thông nói riêng, trong đó có Đại lộ Thăng Long qua địa bàn, huyện đang đẩy nhanh tiến độ duy tu, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời triển khai sửa chữa các công trình chống úng, giải tỏa ách tắc dòng chảy trên sông, kênh tiêu...
Khu vực hầm chui dân sinh vượt qua cao tốc Láng - Hòa Lạc này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập khi có mưa |
Với các trọng điểm úng ngập như ở khu vực An Khánh trên Đại lộ Thăng Long, khi có mưa bão xảy ra, huyện sẽ nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng chức năng của thành phố triển khai phương án phòng, chống ngập lụt, bảo đảm an toàn cho người dân.
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang thực hiện dự án sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông tại các hầm chui dân sinh tại Đại lộ Thăng Long (dự án đang thi công sửa chữa các hầm chui dân sinh trên địa bàn huyện Hoài Đức).
Theo đó, công trình hầm chui dân sinh được lắp đặt hệ thống thoát nước bê tông để bảo đảm dòng nước được lưu thoát nhanh. Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ bóc lớp mặt đường cũ, thảm lại bằng bê tông mác cao; Hoàn thiện hệ thống biển báo tại các hầm chui để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Với tổng mức đầu tư hơn 7,3 tỷ đồng, dự án sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông tại các hầm chui dân sinh tại Đại lộ Thăng Long sẽ giúp cải thiện điều kiện giao thông và môi trường sống của nhân dân trong khu vực.
Đại lộ Thăng Long là công trình đặc biệt quan trọng của Hà Nội dài gần 30 km, kết nối trung tâm thủ đô với chuỗi đô thị phía tây: Xuân Mai - Miếu Môn - Hoà Lạc - Sơn Tây và nối liền các tuyến vành đai 2, 3 và 4 với quốc lộ 21 (đường Hồ Chí Minh). Dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh lên tới trên 7.530 tỉ đồng (vốn đầu tư xác định ban đầu hơn 3.730 tỉ đồng). Dự án được khởi công từ tháng 3/2005 và đưa vào sử dụng đầu tháng 10/2010.