Hà Nội lên phương án ngừng sử dụng các giếng khai thác nước ngầm
Theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021), Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo không cấp phép đầu tư xây dựng các nhà máy nước ngầm mới; Chỉ duy trì và giảm quy mô khai thác các nhà máy nước ngầm hiện có; Tăng cường khai thác nguồn nước mặt theo đúng định hướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô.
Tuyên truyền để người dân không tiếp tục khai thác giếng khoan nước ngầm, đấu nối sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố sau khi được đầu tư xây dựng.
Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm, bổ sung và thay thế nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt. Dự kiến nguồn nước ngầm khai thác đến năm 2030 khoảng 504.000m3/ngày (chiếm 17,7%); Đến năm 2050 khoảng 413.000m3/ngày (chiếm 11,5%)...
Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không tiếp tục khai thác giếng khoan nước ngầm |
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hơn 10 vụ sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm, chủ yếu ở các huyện ngoại thành. Những bất cập trong quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước đã và đang dẫn đến không ít hệ lụy, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã xây dựng lộ trình giảm dần và tiến tới dừng khai thác nước ngầm vào năm 2050.
Giải pháp đầu tiên là đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt trên cơ sở khai thác nguồn nước mặt sông Đà, sông Đuống. Đến nay, tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nội thành đạt 100%, khu vực ngoại thành đạt 78%, góp phần giảm đáng kể tình trạng tự do khoan giếng khai thác nước ngầm.
Để quản lý chặt nguồn tài nguyên nước, thành phố cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt và nước dưới đất. Theo đó, toàn thành phố hiện có 104 đơn vị phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc trám lấp giếng khai thác nước ngầm ở khu vực đã được cấp nước sạch tập trung, nhiều đơn vị cũng tự giác báo cáo tiến độ trám lấp giếng khai thác nước ngầm, như: Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông - Vận tải, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam…
Khi siết chặt quản lý và giám sát, đẩy nhanh các hình thức đầu tư để đưa nước sạch tới người dân, hoạt động khai thác nước ngầm trên địa bàn Thủ đô sẽ được hạn chế tối đa |
Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, trạm trộn bê tông, điểm rửa xe, cơ sở khai thác nước ngầm sản xuất nước sinh hoạt… Nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm”.
Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt và có ý nghĩa lâu dài là các địa phương cần đẩy mạnh việc mời gọi đầu tư các dự án mạng lưới truyền dẫn cấp nước đi đôi với vận động người dân sử dụng nguồn nước này; Trên cơ sở đó tiến hành trám lấp giếng tự khoan, giúp thành phố hạn chế và tiến đến mục tiêu không khai thác nước ngầm.
Từ thực tế một địa phương còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Vẻ cho biết, do nguồn thu ngân sách còn hạn chế, nên huyện rất cần thành phố hỗ trợ xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy đến huyện, xã cũng như các hộ dân.
Chắc chắn rằng, khi siết chặt quản lý và giám sát, đẩy nhanh các hình thức đầu tư để đưa nước sạch tới người dân, hoạt động khai thác nước ngầm trên địa bàn Thủ đô sẽ được hạn chế tối đa.