Tiếp tục phát triển mạng lưới cấp nước, từng bước thay thế nguồn nước ngầm
Bài liên quan
Nhà máy nước mặt sông Đuống được thị trưởng thành phố Leipzig đánh giá cao
Người dân phía nam Hà Nội sắp được hưởng nguồn nước sạch uống tại vòi
Hà Nội: Khánh thành nhà máy nước lớn nhất miền Bắc
Sau khi kiểm tra thực địa các công trình, hạng mục của dự án như: kênh thu, trạm bơm nước thô, nhà điện, máy phát dự phòng, hồ lắng, trạm bơm dâng, khu xử lý nước, bể lắng, bể lọc, phòng điều khiển... Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên dự án. Đồng chí đánh giá, đây là dự án hạ tầng hiếm hoi được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của người dân. Đặc biệt công tác GPMB nhanh, các sở ngành đôn đốc thực hiện các thủ tục kịp thời, nhà đầu tư AquaOne đã hết sức nỗ lực, thực hiện đúng cam kết, chuẩn bị kỹ về nguồn lực và trang thiết bị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, dự án nước mặt là mong mỏi của thành phố trong nhiều năm qua. Hiện việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án hạ tầng đang phát huy hiệu quả. Tiếp theo đây, thành phố sẽ khai thác nguồn nước mặt Sông Đà, Sông Hồng, hướng tới mục tiêu giảm dần và đóng lại nguồn nước ngầm vừa ô nhiễm vừa không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo thành phố thăm Công trình thu |
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu, Nhà máy nước mặt Sông Đuống tiếp tục phát triển mạng lưới cấp nước nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước tại một số nơi trên địa bàn thành phố; tiến tới giảm số bình nước dự trữ tại nhà dân để thành phố đẹp và văn minh hơn; mở rộng mạng lưới cấp nước ra vùng nông thôn, hướng tới các khu vực phía Nam thành phố.
Nhấn mạnh nhu cầu về nước còn rất lớn, nếu được đảm bảo về chất lượng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu Nhà máy triển khai nhanh các dự án; đôn đốc hợp đồng, phối hợp với nhà đầu tư và đơn vị sản xuất nước để không bị trùng lắp
Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường thành lập trạm quan trắc cung cấp chất lượng nước cho thành phố. Chỉ đạo các địa phương dọc bên sông Đuống kiểm soát giấy phép xả thải và chất lượng nguồn nước…
Trước đó, báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết: Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính thức khởi công từ ngày 9/3/2017.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc |
Với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, Dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm); tuyến ống dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên.
Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch 1 năm; đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm so với dự kiến năm 2020. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ được mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 900.000 m3/ngày đêm và có khả năng mở rộng công suất lên tới 1,2 triệu mét khối/ngày đêm.
Dự án hiện đã vận hành và bảo đảm cấp nước ổn định giai đoạn 1 với công suất 150.000 m3/ngày đêm từ tháng 10/2018. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất tăng lên đạt 300.000 m3/ngày đêm hiện đang được gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục và phát nước thương mại chính thức trước Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2019. Khi hoàn thành, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục cung cấp nước sạch bổ sung cho các khu vực phía Đông Bắc thành phố gồm: quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam thành phố gồm quận Hoàng Mai, các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên...