Hà Nội lớn mạnh từng ngày trong dáng rồng bay
Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đang trong những ngày tháng 10 đầy vui mừng, phấn khởi với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội… Đi trên các tuyến đường từ thành thị tới nông thôn, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt hân hoan, dù dấu tích của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hiển hiện trên nhiều lĩnh vực…
Khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế
Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ TP Hà Nội đã đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội xác định phát huy tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; Đẩy mạnh kinh tế tri thức; Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã chủ động nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Cải thiện môi trường kinh doanh; Đưa Thủ đô trở thành một trung tâm kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Giai đoạn 2015 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2010 - 2015 (6,93%). Riêng năm 2020, quy mô GRDP của Hà Nội ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tương đương 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh; Khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của thành phố tăng 15 bậc, lên vị trí thứ 9 cả nước.
5 năm qua, diện mạo đô thị Hà Nội đã có những đổi thay tích cực. (Ảnh: Vương Đức) |
Bằng những giải pháp quyết liệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng và vượt dự toán, ước đạt gần 1.200.000 tỷ đồng, tăng 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, bằng 39,2% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước.
Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác giao thương chặt chẽ với nhiều địa phương trong toàn quốc (đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với trên 50 địa phương), nhất là Vùng Thủ đô và tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo số liệu của Sở Công thương, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã phối hợp tổ chức hơn 100 cuộc giao thương kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Hà Nội ký kết trên 5.000 biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng; Đồng thời tìm kiếm những cơ hội tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội tại các địa phương khác…
Để phát huy vai trò đầu tàu, hướng tới tương lai, Hà Nội luôn chủ động tìm kiếm cơ hội, giải pháp để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, thành phố xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoàn chỉnh; Phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; Là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt nên dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đã đóng góp trên 16% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Những kết quả trên đã được Đảng và Trung ương đánh giá cao và khẳng định, Thủ đô đã hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI và Nghị quyết của HĐND TP về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Xã hội ổn định và phát triển mọi mặt
Những người đi xa có dịp trở về Hà Nội trong những ngày gần đây đều ngỡ ngàng với những tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố, đường vành đai, cầu bắc qua sông Hồng, những công trình, tuyến đường, cầu lớn… được xây dựng, tạo diện mạo khang trang.
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô; Từng bước phát triển vùng đô thị khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Ước tính đến hết năm 2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của thành phố đều tăng, ước đạt lần lượt là 10,05% và 20,05%. Hà Nội đã đạt diện tích nhà ở bình quân 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 49,2%; Hoàn thành trồng mới 1 triệu cây xanh trước 2 năm và đang trồng thêm 600 nghìn cây xanh.
Thành phố cũng tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cấp nước sạch cho người dân ven đô, nông thôn. Đến cuối năm 2019, 100% hộ dân ở đô thị và 75% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 đạt 37%), vượt chỉ tiêu đề ra.
Thành phố Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại |
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Đến cuối năm 2020, toàn thành phố có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước thời hạn 2 năm mục tiêu đề ra. Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn Nông thôn mới cao nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2016.
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, Hà Nội tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao.
Đặc biệt, tiếp tục phát huy truyền thống, 5 năm qua Hà Nội chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống Nhân dân. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Ngoài ra, thành phố còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của thành phố đạt 90,1%. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hà Nội đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công; Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Hà Nội cũng đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm, đến nay cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Cùng với những kết quả nổi bật trên, 5 năm qua, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố. Trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế của thành phố được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng. Hà Nội còn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương; Hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Có thể nói, không những cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, mà vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Đây chính là những cơ sở để thành phố đặt ra những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong giai đoạn tới.
Hướng tới phát triển đồng đều giữa thành thị và nông thôn
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 25, bàn về những giải pháp phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng sự phát triển của Thủ đô không phải là đường thẳng từ quá khứ đến tương lai, mà có thể tận dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tạo ra bước phát triển đột phá. Vì vậy, các chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ mới phải vừa bảo đảm tính khả thi cao, vừa nuôi dưỡng khát vọng, quyết tâm và có tính đột phá.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, nhiệm kỳ mới, Hà Nội sẽ bổ sung chương trình công tác về “Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển kinh tế đô thị” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị vệ tinh, sớm hoàn thành mục tiêu đưa 5 huyện thành quận trong nhiệm kỳ; Gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cùng với đó, Hà Nội cũng xác định mục tiêu phát triển đồng đều giữa đô thị và nông thôn.
Bởi vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu, không cấp nào được ngồi chờ mà phải thực hiện ngay, nhanh chóng đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống; Cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết để tập trung chỉ đạo hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách theo đặc thù từng địa phương…
Thủ đô Hà Nội đã căn cơ, bài bản tiến những bước dài, vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn trăn trở trên chặng đường mới. Thực tế đó đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Thủ đô để xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; Đáp ứng niềm tin yêu của muôn triệu người dân đất Việt…
5 năm thực hiện Chương trình 03-CTr/TU: Kinh tế Thủ đô khởi sắc từng ngày TTTĐ - Với việc ban hành Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao ... |
Rà soát, bảo đảm an ninh phục vụ Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (HNMO) - Sáng 7/10, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự ... |
Chuỗi hoạt động hấp dẫn của tuổi trẻ Thủ đô kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội TTTĐ - Từ ngày 8 đến 13/10, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội ... |
Hà Nội xác định yếu tố văn hóa và con người là nguồn lực phát triển bền vững TTTĐ - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: Nhiệm kỳ tới, thành phố xác định yếu tố văn ... |