Hà Nội: Nhiều bãi trung chuyển vật liệu xây dựng gây nguy cơ sạt lở bờ sông
Nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại Hà Nội vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đê điều
Bài liên quan
Hà Nội: Chỉ đạo quyết liệt, tạo niềm tin cho người dân trong xử lý vi phạm về đê điều
Hà Nội: Phát sinh 122 vụ vi phạm pháp luật về đê điều
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội vừa cho biết, dọc các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố có tổng số 191 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng thuộc các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, Vân Cốc, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống, hữu Cầu, hữu Cà Lồ, tả Cà Lồ. Trong đó, có 158 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động và 33 bãi đang tạm dừng hoạt động.
Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn nằm trong tuyến thoát lũ sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận.
Một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ… Hơn nữa, việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê.
Để đảm bảo an toàn đê điều, quản lý và khai thác sử dụng đất bãi sông có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên, khoáng sản, thất thoát thuế, cũng như tránh để xảy ra những sự cố công trình đê điều…, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tiếp tục có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã được giao theo từng lĩnh vực tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.
Trong đó, các cấp, các ngành cần quan tâm, tập trung triển khai thực hiện một số nội dung, cụ thể: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật…
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động bến thuỷ nội địa đối với các tổ chức, cá nhân mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều.
Đồng thời, Sở chỉ đạo Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan tuần tra, ngăn chặn, xử lý xe có tải trọng vượt quá tải trọng được phép lưu thông trên đê, xử lý tàu, thuyền, xà lan, bè mảng neo đậu trái phép vào phạm vi bảo vệ công trình kẻ bảo vệ bờ sông, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp bơm hút cát trái phép ở lòng sông, đặc biệt tại những khu vực đê sát sông, kè bảo vệ bờ; ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê.
Đồng thời, cơ quan công an bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương để tổ chức ngăn chặn, xử lý, cưỡng chế, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự.
UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông, các điểm khai thác cát khu vực lòng sông; kiên quyết xử lý, giải toả các trường hợp không có giấy phép theo quy định của pháp luật….
Cùng với đó, các đơn vị này tăng cường công tác quản lý đối với khu vực bãi bồi ven sông; kiểm tra, rà soát và có phương án quản lý, sử dụng các khu vực bãi ven sông theo quy định; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều đến mọi người dân hiểu và chấp hành; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục thỏa thuận, cấp phép trước khi có các hoạt động liên quan đến đê điều, nhất là đối với hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên dọc các tuyến sông.