Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Lan tỏa giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Lan tỏa mạnh mẽ Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh TTXVN |
Dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; Đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo, đại biểu cử tri 3 quận.
Cử tri cũng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội
Mở đầu, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; Đại biểu Nguyễn Phi Thường báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước.
Phát biểu ý kiến, kiến nghị với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đơn vị bầu cử số 1 đánh giá cao sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ. Nhờ đó, mặc dù tình hình rất khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội nước ta vẫn ổn định và có bước phát triển, đời sống người dân được nâng cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng. |
Cử tri cũng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội và chất lượng, tinh thần đổi mới của các kỳ họp thường kỳ, đột xuất vừa qua. Cử tri khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này tiếp tục được thực hiện kiên quyết, quyết liệt, không có vùng cấm, nhiều vụ việc được điều tra xử lý kịp thời, nhanh gọn; Triển khai các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa...
Cử tri cũng dành sự quan tâm lớn đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác xây dựng pháp luật nói chung của Quốc hội. Cử tri Đinh Cao Minh (phường Thành Công, quận Ba Đình), cử tri Phan Công Bách (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) kiến nghị Quốc hội phân bổ thời gian về việc cho ý kiến hoặc thông qua các dự luật một cách linh hoạt, hợp lý hơn, đặc biệt là đối với các dự luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), để bảo đảm chất lượng các luật. Con số hơn 12 triệu lượt góp ý của cử tri cả nước đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy, đây vừa là vấn đề rất quan trọng, vừa còn có nhiều vấn đề khó khăn, bất cập. Do đó, quá trình xây dựng luật này phải rất cẩn trọng.
Cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, không để sơ hở dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, vi phạm pháp luật đối với các dự án lớn đang được triển khai trên cả nước, như: Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã trao đổi, giải đáp một số ý kiến, kiến nghị cử tri nêu. Đề cập vấn đề cải tạo các khu chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, tiến hành xây dựng cơ chế và tới đây, trong đợt đầu, sẽ thực hiện cải tạo 10 khu chung cư cũ. Đồng chí Hà Minh Hải đề nghị các quận có khu chung cư cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ mà thành phố giao liên quan đến việc này.
Để phòng, chống tham nhũng phải thực hiện thật tốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thay mặt Tổ đại biểu phát biểu tiếp thu và trao đổi với cử tri Đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, nhấn mạnh hoạt động của Quốc hội phải bảo đảm được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Nhân dân. Vì vậy, trước và sau mỗi kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phải gặp gỡ, tiếp xúc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị, góp ý của cử tri và Nhân dân, đem tiếng nói của Nhân dân đến với Quốc hội, căn cứ vào đó để góp ý, thảo luận, tham gia các hoạt động của Quốc hội... Ý kiến của cử tri và Nhân dân chính là chỗ dựa để Quốc hội xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia và thực hiện chức năng giám sát tối cao.
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri |
Theo Tổng Bí thư, 9 cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị đã đề cập rất đúng và trúng các vấn đề thời sự của đất nước, nói nôm na là “gãi đúng chỗ ngứa”. Đồng chí khẳng định, Tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp báo cáo với Quốc hội, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri; Đồng thời, phản ánh trong các phiên thảo luận tại Quốc hội.
Trao đổi về một số vấn đề cử tri quan tâm, nêu ý kiến, Tổng Bí thư cho rằng, với tất cả sự khiêm tốn, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thực tiễn phát triển của đất nước thời gian qua, nhất là thành công về công tác đối ngoại ngày càng chứng minh sự thật này.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả này, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải thực hiện tốt 3 vế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Trong đó, Quốc hội cũng như hệ thống chính trị phải lắng nghe, trân trọng ý kiến của dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân. Bởi vì khi đã mất lòng dân thì sẽ mất tất cả. Không lắng nghe dân, mà còn cậy quyền cậy thế, ức hiếp nhân dân thì không thể tồn tại lâu. “Dân mới là vạn đại, quan dù to đến mấy cũng chỉ là nhất thời”, Tổng Bí thư nói.
Cảm ơn cử tri đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đến nay, về cơ bản các vụ cũ tồn tại, được dư luận quan tâm đặc biệt đều đã được đưa ra xét xử xong. Còn một số cá nhân bỏ trốn, các cơ quan chức năng vẫn đang truy tìm; Tới đây, nếu chưa bắt giữ được thì sẽ xét xử vắng mặt. Khi đó, những người bỏ trốn sẽ mất quyền công dân, mà không có quyền công dân thì không nước nào chứa chấp, nên nói nôm na là “có mà chạy đằng trời”.
Theo Tổng Bí thư, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chống cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - đây là cái gốc của vấn đề. Vừa qua, ngoài việc truy tố, xét xử, đối với một số trường hợp nhận thức ra cái sai, Đảng, Nhà nước đã khoan hồng cho những cá nhân này thôi chức, từ chức, rút lui trong danh dự. Trung ương vẫn khuyến khích cách làm này vì tinh thần nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; Mở đường là để có sức cảm hóa. Chủ trương này đến nay đã đi vào nền nếp, tạo chuyển biến ở các cấp, các ngành. Tới đây, một số trường hợp khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo cách như vậy.
Đến nay, đã được một năm Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đi vào hoạt động. Tới đây, Trung ương sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉ đạo trên tinh thần huy động toàn dân, toàn quốc tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tương tự như phong trào toàn dân, toàn quốc kháng chiến, kiến quốc.
Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng, cùng những giá trị cao quý rất đáng tự hào được tôn vinh như “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, hào hoa và thanh lịch, sẽ thấm sâu những giá trị đó, mỗi người đều tự hào là người Hà Nội, từ đó gương mẫu, đi đầu trong xây dựng và phát triển đất nước, đưa Thủ đô vươn lên. Đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải gương mẫu, đi đầu thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Không để Thủ đô hào hoa, thanh lịch, văn hiến, anh hùng mà mang tiếng chỗ này, chỗ kia tham nhũng, tiêu cực.