Hà Nội phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Dồn sức “về đích” Nông thôn mới nâng cao
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 -CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã có báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội quý III; Nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo, thành phố Hà Nội đang có 6 huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai.
Qua kiểm tra, đánh giá tiến độ hoàn thành tiêu chí huyện Nông thôn mới nâng cao, có 2 huyện: Gia Lâm, Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt tiêu chí đề ra.
Hiện, 2 huyện: Gia Lâm, Đông Anh đã có Tờ trình; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành thành phố hoàn thiện báo cáo, phấn đấu trong tháng 11/2023 đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới thành phố họp, thẩm định để trình Hội đồng thẩm định Trung ương.
Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đưa 3 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao |
Đối với huyện Thanh Trì còn thiếu tiêu chí trường THPT đạt chuẩn quốc gia, huyện đã bố trí vốn đầu tư. Thanh Trì phấn đấu trong tháng 10/2023 hoàn thiện hồ sơ và trình thành phố...
Về nhiệm vụ các tháng cuối năm, thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện: Gia Lâm, Đông Anh tập trung hoàn thiện báo cáo, hồ sơ minh chứng, phối hợp với các sở, ngành thành phố hoàn thiện báo cáo thẩm tra.
Đồng thời phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lấy ý kiến người dân về kết quả xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, phấn đấu trong tháng 11/2023 trình hồ sơ của 2 huyện lên Hội đồng thẩm định Trung ương.
Đối với huyện Thanh Trì, thành phố yêu cầu khẩn trương tập trung hoàn thiện hồ sơ, báo cáo trình UBND thành phố trong tháng 10/2023, phấn đấu trong tháng 12/2023, trình hồ sơ lên Hội đồng thẩm định Trung ương.
Các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao đúng quy định, trình UBND thành phố trong quý I/2024.
Ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ đặt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố cần hoàn thành 8 quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có quy định “có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao”.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, quy định trên chỉ tính trên số huyện (không tính thị xã). Do đó, với tổng số 17 huyện như hiện nay, để đạt được yêu cầu có 20% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao thì thành phố cần có 4 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Cũng bởi vậy, việc sớm đưa 3 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì về đích Nông thôn mới nâng cao là tiền đề rất quan trọng để Hà Nội hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới vào năm 2025.
Bức tranh nông nghiệp, nông thôn của Đông Anh đã được thay đổi toàn diện |
Cũng theo đại diện Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, ngoài 3 huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì, 3 huyện khác gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai cũng đang phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. 3 huyện này đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình các cấp thẩm định trong quý I/2024.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới nâng cao của năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí. Các sở, ngành tập trung phối hợp, hướng dẫn 3 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì trong việc hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Kịp thời phổ biến đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của địa phương, đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên, khích lệ, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân đối với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.