Hà Nội quyết tâm xóa sổ lối đi tự mở cắt ngang đường sắt
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm
Với người dân sống lâu năm gần các tuyến đường sắt, họ đã quen và chủ quan có thể tự bảo vệ bản thân mình nên tự ý phá rào mở lối đi. Tuy nhiên, trên nhiều lối mở tự phát đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm cho cả người dân địa phương lẫn người ở nơi khác tới.
Chị Trần Thị Bích (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Những lối mở tự phát qua đường sắt đem đến nhiều hiểm họa tai nạn. Những lối như thế, người ta đi qua không chú ý quan sát, gây tai nạn rất thương tâm.
Ngay trước số nhà 54, thị trấn Văn Điển, mặc dù chỉ cách lối đi có rào chắn khoảng 15-20m, thế nhưng từ lâu các hộ dân xung quanh đấy đã tự phá rào để đi lại, kinh doanh. Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt. Trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn đi thành phố Hà Nội tồn tại hàng trăm điểm mở”.
Trước thực trạng mất an toàn giao thông đường sắt tồn tại trong thời gian dài, đơn vị quản lý đã nhiều lần tuyên truyền vận động, phá bỏ các lối đi này nhưng vấp phải sự phản ứng của người dân với đủ các lý do.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân bảo đảm hành lang an toàn đường sắt |
Ông Đoàn Hùng Cường, Phó Trường phòng kĩ thuật - An toàn, Công ty CP Đường sắt Hải Hà, cho biết: “Có rất nhiều trường hợp người dân phản ứng quyết liệt vì cuộc sống mưu sinh, họ muốn có đường đi để họ kinh doanh. Có những trường hợp chống đối, họ còn ra đe dọa, rồi họ đánh, hoặc sau khi chúng tôi đã thực hiện xong thì họ lại phá hàng rào. Có những lối mà chúng tôi làm đến 2,3 lần, nên có những lần chúng tôi phải phối hợp với công an và có trường hợp đã bị khởi tố”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên toàn tuyến Thống nhất Hà Nội - TP. HCM đoạn qua địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 3 người, bị thương 5 người, hư hỏng 6 xe mô tô, chậm tàu 205 phút.
Cục Cảnh sát giao thông đã khảo sát các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng, cho thấy, nạn nhân đều không phải người sinh sống dọc tuyến đường sắt. Điển hình là 2 vụ tai nạn gần đây trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Trong đó, vào tháng 7/2024, 1 nạn nhân tử vong là người ở quận Hai Bà Trưng, khi băng qua đường sắt thiếu quan sát đã va chạm với tàu hỏa. Còn nạn nhân tử vong gần đây nhất ngày 14/8 là người ở tỉnh Bình Định, do mâu thuẫn tình cảm nên trèo qua barie tự ý lao vào đứng giữa đường sắt khi đoàn tàu đang di chuyển qua.
Thống kê riêng trên địa bàn huyện Thanh Trì, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó 2 vụ xảy ra trên tuyến đi qua thị trấn Văn Điển. Do đó, từ tháng 8 đến nay, chính quyền thị trấn Văn Điển đã tiến hành tuyên truyền, xử phạt những người lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
Trong ngày 26/8, các cơ quan chức năng thị trấn Văn Điển phối hợp với các đơn vị liên quan đã xóa bỏ 9 lối đi tự mở, từng bước rào chắn hoàn toàn sau khi có đường gom.
Quyết tâm xóa bỏ lối đi tự phát
Hà Nội có 40km đường sắt chạy qua với khoảng 1.000 lối đi ngang giao cắt khu dân cư với các tuyến đường quốc lộ, đường nội đô và đường liên huyện… Hiện tại, ngành đường sắt đã bàn giao hồ sơ các lối đi ngang, đi tắt cho các địa phương quản lý. Những lối đi tự mở trên 3m kết nối khu dân cư đã được yêu cầu lắp cảnh báo. Đoạn qua huyện Thanh Trì, có 9 lối đi tự phát đã được xóa triệt để.
Ông Trần Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, cho biết: “Để đảm bảo sự an toàn của người dân cũng như thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông thành phố cũng như kế hoạch của UBND huyện Thanh Trì, chúng tôi đã ra soát, đặt biển cảnh báo và tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, chưa được cải thiện nhiều, chính vì vậy chúng tôi đóng một số lối đi tự mở qua đường sắt”.
Tổ chức tuyên truyền cho người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt |
Việc xóa bỏ các lối đi tự mở được Cục đường sắt Việt Nam thực hiện trên cả nước theo đề án 358 được Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2020 đến nay, Cục đường sắt Việt Nam phối hợp cùng các địa phương từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng xây dựng đường gom dân sinh.
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trường Cục Đường sắt Việt Nam: “Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như dự án đô thị, cải tạo an toàn giao thông. Trước mắt đã đạt được những điểm tích cực là không phát sinh lối đi tự mở, số lượng thì càng ngày càng giảm. Từ khi Đề án 358 được phê duyệt đến giờ thì có hơn 800 lối đi tự mở đã được rào đóng, đạt được 27% so với kế hoạch”.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ các lối đi tự mở sẽ được xóa bỏ theo Đề án 358.
Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, cảnh báo từ xa, cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp cùng công an địa bàn ứng trực và tổ chức tập huấn cho nhân viên ngành đường sắt, cũng như người dân sinh sống gần đó những biện pháp cảnh báo, xử lý và phòng tránh tai nạn, rủi ro cho người tham gia giao thông trong khu vực.