Hà Nội: Tăng chế tài xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy
Theo Nghị quyết, cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy là cơ sở không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này được đưa vào sử dụng tại thời điểm trước ngày 4/10/2001 và các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội báo cáo tại kỳ họp |
Nghị quyết nêu rõ, các đơn vị tuân thủ việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy; trường hợp không thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định hiện hành thì được áp dụng quy định tại Nghị quyết này; Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động ổn định, hạn chế việc gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở; Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy theo hướng ổn định phục vụ phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức và Nhân dân.
Cơ sở trong quá trình thực hiện cải tạo, sửa chữa hoặc chờ di chuyển phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Phương án di chuyển các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng, phát triển của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các nội dung tồn tại đối với cơ sở thuộc đối tượng quy định của Nghị quyết này và được UBND cấp huyện quản lý theo địa giới hành chính phê duyệt. Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ thiết kế cải tạo gửi Công an thành phố tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi thi công…
Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm thực hiện đối với nhà chung cư, tập thể không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Cụ thể, đối với nhà chung cư, tập thể thuộc sở hữu Nhà nước thì việc thực hiện tổ chức khắc phục các nội dung tồn tại thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước theo phân cấp hiện hành. Đối với nhà chung cư, tập thể đã bán hết cho người dân hoặc đan xen giữa sở hữu của nhà nước và người dân hoặc không xác định rõ chủ sở hữu, UBND cấp huyện hướng dẫn, chỉ đạo thành lập Ban quản trị đối với nhà chung cư, tập thể; Trưởng ban quản trị thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. Trường hợp nhà chung cư, tập thể không thành lập hoặc không đủ điều kiện thành lập Ban quản trị thì Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.
Trưởng ban quản trị, chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật…
Nghị quyết cũng quy định về giải pháp xử lý đối với cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người.
Người đứng đầu cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển khi không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về phòng cháy, chữa cháy và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt; thời gian thực hiện không quá 24 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Trong thời gian thực hiện các thủ tục phục vụ việc di dời, chủ cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật liên quan về phòng cháy, chữa cháy, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Chỉ được phép hoạt động khi đã tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy.