Hà Nội: Xây dựng lộ trình nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP lan tỏa sâu rộng tới các thành phần kinh tế
Với hơn 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai Chương trình OCOP. Điều vui mừng hơn là chương trình đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, đón nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế.
Cụ thể đến nay, Chương trình OCOP của Hà Nội đã thu hút được sự tham gia, phát triển sản phẩm OCOP của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh; Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 5.000 lao động nông thôn.
Chương trình OCOP của Hà Nội đã thu hút được sự tham gia, phát triển sản phẩm OCOP của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã |
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu của chương trình. Trong đó, trọng tâm là công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố tổ chức sâu rộng, từ đó tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các chủ thể hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng.
Quá trình triển khai chương trình OCOP thời gian qua cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng để Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Phát triển thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội chợ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tại các huyện trên địa bàn thành phố. Tại các sự kiện đều quy tụ hơn 100 gian hàng của các chủ thể đến từ 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hàng nghìn sản phẩm "trên rừng, dưới biển" được các địa phương phân hạng từ 3 sao trở lên.
Bà Trịnh Anh Thư, Tổng Giám đốc Công ty CP Trà xạ đen MD Queens cho biết: Thông qua các dịp hội chợ đã tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp, cũng như các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường; Đặc biệt là đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại…
Hà Nội hiện đang xây dựng lộ trình nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP |
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô.
Để phục hồi chuỗi đứt gãy giao thương do dịch COVID-19 gây ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị xây dựng được thêm ít nhất 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện đưa nông sản, thực phẩm, hàng hóa chất lượng từ 3 sao trở lên đến với người tiêu dùng Thủ đô; Phấn đấu để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.
Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |